Ngành du lịch Đà Nẵng đang đánh giá “sức khỏe” của ngành, của doanh nghiệp để định hướng lại thị trường, để đưa ra giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.
Ngày 01/04, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch (XTPTDL) cùng Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm "Giải pháp khôi phục & Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021". Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2020 cũng như mức độ hiệu quả của các giải pháp ứng phó từ chính quyền thành phố và doanh nghiệp trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước đối thoại với các doanh nghiệp du lịch, đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp ngành du lịch Đà Nẵng khôi phục và phát triển trong năm 2021.
Từ góc độ thực tế, du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 cùng tác động của những trận bão lũ triền miên trong năm 2020 đã khiến ngành du lịch Đà Nẵng "kiệt sức" trong thời gian qua, kéo theo tác động tiêu cực đến nền kinh tế Đà Nẵng. Do vậy, đây là thời điểm phù hợp để toàn ngành du lịch Đà Nẵng cùng ngồi lại, đánh giá "sức khỏe" của ngành, của doanh nghiệp cũng như định hướng lại thị trường, hướng đi để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm vực dậy thị trường du lịch, từng bước đưa Đà Nẵng trở lại thời điểm hoàng kim như trước khi dịch bệnh diễn ra.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết cho đến thời điểm hiện tại trên địa bàn chỉ có 50% doanh nghiệp quay trở lại làm việc, số lao động tạm ngừng, nghỉ việc ước chừng 31.874 người. Năm 2020 chỉ có 2,7 triệu khách du lịch đến Đà Nẵng, giảm 68,6% so với 2019, tổng thu du lịch đạt 10,7 ngàn tỷ đồng, giảm 65,1% so với cùng kỳ.
"Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành du lịch, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn thời gian qua và tương lai. Mặc dù đã có vắc-xin nhưng vẫn đang trong quá trình theo dõi kết quả, nhiều quốc gia vẫn đang có dịch diễn biến phức tạp nên thị trường quốc tế rất khó để khôi phục", ông Nguyễn Xuân Bình nói.
Cũng theo ông Bình, thị trường nội địa có khả năng hồi phục cao hơn nên được xem là thị trường chủ đạo trong công cuộc phục hồi ngành du lịch. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đảm bảo an toàn y tế, đảm bảo chất lượng của điểm đến, rút gọn thời gian tham quan để phù hợp hơn đối với thị trường. Trong thời gian tới thành phố sẽ tận dụng, tập trung khai thác thị trường nội địa, ưu tiên những địa phương có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, du lịch MICE...
Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng đề ra 02 kịch bản để khôi phục ngành du lịch. Trong đó, kịch bản 01 thành phố duy trì tốt việc kiểm soát, không để lây lan dịch bệnh. Đà Nẵng đưa vào một số sản phẩm du lịch mới.
Kịch bản 02, 06 tháng cuối năm 2021 có vắc-xin và vắc-xin được tiểm rộng rãi ở các nước cũng như Việt Nam. Việc vắc-xin phát huy có hiệu quả, Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay quốc tế, thành phố duy trì tốt việc kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng đưa vào một số sản phẩm du lịch mới.
"Thành phố sẽ thực hiện quyết liệt các quy định phòng chống dịch trong mọi giai đoạn khôi phục du lịch. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tham mưu để tìm kiếm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn thành sớm các dự án phát triển du lịch, trong đó kinh tế đêm là yếu tố được chú trọng. Đà Nẵng sẽ tiếp tục khẳng định điểm đến an toàn, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường liên kết, phối hợp, kích cầu với các địa phương khác đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian tới", ông Nguyễn Xuân Bình thông tin.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam nhận định dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến ngành kinh tế du lịch toàn cầu cũng như Việt Nam. Theo ông Chung, ngành du lịch chính là ngành chịu tác động trực tiếp nhất, nặng nhất, sớm nhất nhưng cũng là lâu phục hồi nhất. Sau nhiều chương trình kích cầu, những con số vẫn còn khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm trước.
"Năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp xin được thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa, nhưng thiệt hại nặng nề và lâu dài nhất vẫn là lực lượng nhân lực nòng cốt có chất lượng cao của ngành du lịch chuyển sang ngành nghề khác. Và để phục hồi được lực lượng này chúng ta phải mất cả một thập kỷ mới có thể trở lại thời điểm trước năm 2020", ông Chung thông tin.
Theo đánh giá của ông Chung, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh trên thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu du lịch sụt giảm do tỷ lệ thất nghiệp tăng, thu nhập giảm, doanh nghiêp gặp khó khăn về tài chính,... Ngoài ra, sự cạnh tranh điểm đến sau khi ngành du lịch được phục hồi sẽ hết sức khốc liệt, nếu như ngành du lịch Việt Nam chậm chân thì thị trường khách quốc tế sẽ bị thu hẹp.
"Các mô hình liên kết vùng, các phương thức hoạt động mới để chờ đại dịch đi qua hiện đang được triển khai rất tốt. Chúng ta cũng đã quan tâm hơn đến du lịch thông minh, chuyển đổi số, quản lý điểm đến tại các địa phương chính là những điểm sáng về du lịch tại các địa phương để "tìm cơ trong nguy" trong cơn đại dịch", ông Ngô Hoài Chung nói thêm.
Ngoài ra, vị này còn cho biết từ đầu năm 2021 ngành du lịch Việt Nam đã xác định tập trung vào 05 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục kiên trì, kiến nghị với Chính phủ có chính sách trực tiếp hỗ trợ cho ngành du lịch. Tiếp tục tăng cường liên kết, liên ngành, kết nối doanh nghiêp, các địa phương tổ chức các chương trình kích cầu mạnh mẽ, xúc tiến du lịch nội địa với phương châm "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch bởi đây là xu thế mới của thể giới, phù hợp với thực tiễn, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn phòng chống dịch. Tăng cường xúc tiến thị trường trong nước và duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu. Cuối cùng, chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực đến khi ngành du lịch được phục hồi sẽ có ngay để phục vụ.
Cùng trao đổi, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, ngành du lịch là 1 trong 3 trụ cột chính của thành phố, là 5 mũi nhọn trong định hướng phát triển, đóng góp cho sự tăng trưởng của thành phố nhiều năm qua. Do dịch COVID-19, không chỉ riêng ngành du lịch mà hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn do phần lớn người dân liên quan đến hoạt động du lịch.
"Bằng nguồn lực đầu tư công, nguồn xã hội hóa thành phố cần đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch mới để thu hút khách nội địa, sẵn sàng đón khách quốc tế khi có đủ điều kiện. Đây chính là thời điểm chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện, chứ không phải là thời điểm chùng xuống. Thành phố cam kết đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất để triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp tạo sản phẩm mới cho du lịch", ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh..
Cũng theo Bí thư Đà Nẵng, thành phố này đang có chủ trương làm việc với các nhà đầu tư có uy tín, trước hết chỉnh trang lại toàn bộ sông Hàn, đây là sản phẩm hiếm có không địa phương nào có được. Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ tiến hành xây dựng đề án sông Hàn về đêm gồm tổ hợp hệ thống ánh sáng của các cây cầu, 2 bên bờ sông, tích hợp để điều khiển chung để tạo ra những hoạt động ánh sáng về đêm. Đặc biệt, quy hoạch lại hệ thống ánh sáng toàn thành phố, trong đó có các nhà cao tầng.
"Thành phố đã đồng ý cho chủ trương làm thí điểm mô hình kinh tế đêm ở một số khu vực, đặc biệt là các bãi ven biển để tổ chức các hoạt động về đêm cho du khách đến khoảng 3h sáng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đầu tư đưa sản phẩm thuyền buồm vào sông Hàn, đặc biệt sẽ tổ chức giải đua thuyền buồm trên sông Hàn vào tháng 6", Bí thư Đà Nẵng nói thêm.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu UBND thành phố cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số, sớm triển khai hiệu quả sàn giao dịch du lịch trực tuyến. Đây là một trong những yêu cầu trong đề án chuyển đổi số của thành phố, chính quyền có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hết sức chủ động, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
"Đặc biệt, các đơn vị cứ nói về sự hỗ trợ của chính quyền, Sở ngành trong điều kiện tạo ra cho các doanh nghiệp tồn tại được trong giai đoạn khó khăn. Vậy tự chúng ta đã làm gì để chúng ta tồn tại? Chỉ có chúng ta mới cứu được chúng ta, không ai cứu được chúng ta cả", ông Quảng chất vấn cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo ông Quảng, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc đổi mới nắm bắt cơ hội, nếu cứ tiếp tục tư duy theo cách truyền thống, làm theo cách truyền thống thì ngành du lịch coi như thất bại. Bởi vì những phương thức cũ chắc chắn sẽ rất lâu nữa du lịch Đà Nẵng mới có đợt khách lớn như năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng tái khởi động siêu dự án 35.000 tỷ đồng sau nhiều năm đợi chờ
13:13, 30/03/2021
Chủ tịch Đà Nẵng: Quy hoạch thành phố minh bạch, không tồn tại lợi ích nhóm
10:25, 30/03/2021
Đà Nẵng nghiên cứu phát triển cảng Liên Chiểu trở thành đô thị cảng
02:03, 30/03/2021
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Đầu tàu" Đà Nẵng tạo động lực phát triển kinh tế vùng
12:03, 29/03/2021
Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế vùng
11:17, 29/03/2021
Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á
10:44, 29/03/2021