Xác định nông nghiệp là thế mạnh, huyện Sông Mã đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phát huy thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
>>Sơn La: Phát triển du lịch, ẩm thực, nông nghiệp và dược liệu
Nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu
Sông Mã là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La; cách thành phố Sơn La 110 km về phía Nam theo trục Quốc lộ 4G. Phía Bắc giáp huyện Thuận Châu, phía Đông giáp huyện Mai Sơn, phía Nam giáp nước Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào và huyện sốp Cộp, phía Tây giáp tỉnh Điện Biên.
Huyện Sông Mã có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, độ dốc lớn, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động sản xuất nông nghiệp…
Trước thực tế đó, UBND huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất… chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến… nhằm tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh địa phương, những năm qua, Sông Mã đã đưa sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn. Huyện Sông Mã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Từ đó, nhiều sản phẩm nông sản của huyện từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Đơn cử, sản phẩm “Nhãn Sông Mã” được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận (tháng 6/2017). Sông Mã còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, duy trì thương hiệu sản phẩm "Nhãn Sông Mã" và "Mía tím Sông Mã”.
>>Đề xuất thành lập Trung tâm logistics "gỡ khó" cho nông sản Sơn La
Theo UBND huyện Sông Mã, cây nhãn tại huyện Sông Mã từng bước khẳng định được vị thế, nhiều gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng nhãn. Đến nay, huyện được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích trên 570ha, trong đó, 9 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, 21 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 16 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand. Sản lượng quả nhãn tươi toàn huyện năm 2022 ước đạt khoảng 60.000 tấn, trong đó dự kiến 40.000 tấn chế biến thành long nhãn.
Nâng cao năng lực chế biến
Phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động và chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, huyện Sông Mã đã thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Đặc biệt, triển khai Quyết định 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Sơn La đã hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 571 hộ dân 6 công ten nơ lạnh, 3 kho lạnh và 603 lò sấy hơi nhiệt với tổng giá trị 22,23 tỷ đồng, nâng tổng số cơ sở chế biến long nhãn toàn huyện lên 2.910 lò sấy với công suất từ 2.000-3000 tấn quả tươi/ngày, giá trị chế biến sản phẩm nhãn ước đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Để sản phẩm long nhãn đạt chất lượng tốt hơn, huyện Sông Mã đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm long nhãn Sông Mã cùng với quả tươi. Đặc biệt là nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm long nhãn thông qua việc hỗ trợ công nghệ sấy, làm long nhãn sạch và việc đóng gói bao bì, tem, nhãn mác cho sản phẩm long nhãn của các hợp tác xã. Qua đó, đưa sản phẩm long nhãn có chất lượng cao tới tay người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.
Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh cho biết: Từ năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, do đó chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm từ hương vị, màu sắc đến cảm quan, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được hệ thống phân phố trong nước đón nhận, ngoài ra còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.
>>Sơn La: Phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của khu vực miền núi phía Bắc
Ông Lê Danh Phúc so sánh: “Trước đây long nhãn sấy khô bằng lò sấy than thủ công, một ngày chỉ làm được 50 cân đến 1 tạ. Từ khi áp dụng lò sấy hơi ép nhiệt kín, công suất một ngày lên tới 5 đến 6 tạ. Do đó, hàng năm, hợp tác xã luôn duy trì sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 30 tấn long nhãn, tương đương 200 tấn quả nhãn tươi, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn trong tiêu thụ quả nhãn tươi tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho 200 lao động nông nhàn với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng”.
Trước những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Sông Mã xác định tập trung hướng dẫn các HTX tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn; quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của huyện, nâng cao hơn nữa năng lực và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm