Italy muốn rút khỏi BRI, "hé lộ" căng thẳng EU - Trung Quốc

TRƯỜNG ĐẶNG 02/08/2023 03:30

Động thái mới nhất từ Italy "hé lộ" mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa châu Âu và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy vừa có phát biểu gây chú ý về quan hệ với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Italy vừa có phát biểu gây chú ý về quan hệ với Trung Quốc

>>Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

Trong tuyên bố của mình, ông Crosetto, Bộ trưởng Quốc phòng Italy nói: "Lựa chọn tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một hành động ngẫu hứng và tệ hại của chính phủ tiền nhiệm, dẫn đến kết quả tiêu cực kép”. Tuy nhiên, theo ông Crosetto, nước này sẽ làm điều đó trong khi "không gây thiệt hại" cho mối quan hệ của Italy với Bắc Kinh. “Vấn đề hiện nay làm thế nào để rút khỏi BRI mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh”, ông Crosetto nói trong một cuộc phỏng vấn.

Các tín hiệu về sự “chia ly” đã xuất hiện từ tháng 5, khi Thủ tướng Italy Giorgia Meloni chỉ trích lựa chọn tham gia chương trình này của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, bà Giorgia Meloni cho biết Italy vẫn có thể giữ mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc ngay cả khi không tham gia vào sáng kiến này nữa.

Cơn đau "dai dẳng" của EU 

Bài học từ Italy cho thấy một vấn đề nan giải mà châu Âu phải đối mặt khi ứng xử với Trung Quốc – thâm hụt thương mại.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của EU với Trung Quốc đã tăng lên tới 396 tỷ euro (432 tỷ USD) vào năm 2022, từ mức 145 tỷ euro vào năm 2016. Hiện Trung Quốc chiếm tới 20% hàng hóa nhập khẩu của EU trong khi chỉ đóng góp 9% hàng hóa xuất khẩu của EU.

Mặc dù không thể phủ nhận tầm quan trọng của Trung Quốc với nền kinh tế châu lục, nhưng vẫn có ngày càng nhiều các quốc gia theo đuổi đường lối cứng rắn hơn về thương mại với Trung Quốc bởi một lý do, tránh lặp lại sai lầm từ Nga.

Sự phụ thuộc quá mức vào nguồn năng lượng từ Moscow đã khiến châu lục phải vật lộn suốt 1 năm để tìm các biện pháp thay thế kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra. Có một tầm nhìn chung trong khối, theo các chuyên gia, là họ không muốn điều đó lặp lại với Trung Quốc.

Năm 2022, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào EU đã giảm xuống mức thấp thứ hai kể từ năm 2013, chỉ sau năm 2020, theo phân tích của công ty nghiên cứu Rhodium Group. “Mức đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ,” Agatha Kratz, Giám đốc của Rhodium Group cho biết và lý giải các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Bắc Kinh và sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý EU là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Thâm hụt thương mại lớn là một lý do khiến quan hệ EU - Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp mặt tại Bắc Kinh ngày 6/4

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cũng cho biết Pháp muốn tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc và có mối quan hệ thương mại "cân bằng" hơn.

"Chúng tôi không muốn đối mặt với một số rào cản pháp lý hoặc một số rào cản khác để tiếp cận thị trường Trung Quốc", Bộ trưởng Le Maire nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh sau cuộc đàm phán thương mại với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.

Ngoài ra, còn là sức ép của Mỹ buộc các nước châu Âu phải có các động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc, theo các nhà quan sát.

Ông Benjamin Loh, người đứng đầu nhà sản xuất chip Hà Lan ASM International, cho biết Hoa Kỳ đang “gây nhiều áp lực” lên chính phủ Hà Lan để có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Tháng trước, Đức đã chặn việc bán một trong những nhà máy sản xuất chip của mình cho một công ty công nghệ thuộc sở hữu của Trung Quốc vì những lo ngại về an ninh.

Trung Quốc liệu có nhún nhường?

Thế nhưng, thay vì tìm các biện pháp hóa giải những xung đột với châu Âu, Bắc Kinh dường như sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến thương mại.

Mới đây, Bắc Kinh đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu mới với 2 loại khoáng sản quan trọng - gecmani và gali được sử dụng trong chip máy tính và sợi quang – khiến các nhà sản xuất châu Âu vô cùng lo lắng.  Động thái của Trung Quốc, một phản ứng nhanh chóng đối với việc hạn chế xuất khẩu thiết bị chip tiên tiến của Hà Lan, diễn ra khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thúc đẩy một chiến lược an ninh kinh tế mới.

>>FED sắp kết thúc chính sách tăng lãi suất

“Theo tôi, người Trung Quốc đã đeo găng tay đấm bốc của họ. Vì vậy, chúng ta cần năng lực khai thác, chế biến, tái chế của riêng mình cũng như giao thương đáng tin cậy hơn với các quốc gia khác”, Nicola Beer, một nhà lập pháp của EU phụ trách về nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng, cho biết. 

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

    Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

    04:34, 01/08/2023

  • Châu Âu thêm nỗi lo trước sự tan rã của Wagner

    Châu Âu thêm nỗi lo trước sự tan rã của Wagner

    04:00, 04/07/2023

  • Anh hay Pháp sẽ dẫn đầu châu Âu trong cuộc đua AI?

    Anh hay Pháp sẽ dẫn đầu châu Âu trong cuộc đua AI?

    00:00, 19/07/2023

  • Pháp nổi lên như một trung tâm tiền điện tử tại châu Âu

    Pháp nổi lên như một trung tâm tiền điện tử tại châu Âu

    04:50, 29/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Italy muốn rút khỏi BRI, "hé lộ" căng thẳng EU - Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO