Hải Phòng chú trọng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong việc cung cầu công nghệ góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tạo động lực phát triển trên thị trường.
Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Suốt thời gian qua, Hải Phòng cũng đã trở thành điểm sáng về hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ được kết nối, giao lưu hợp tác với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại trên thế giới.
Mới đây, tại Hải Phòng, Phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản đã thu hút hơn 20 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và 6 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực như tự động hóa cảng biển, năng lượng, xây dựng, xử lý môi trường… tham gia phiên kết nối.
Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng chia sẻ tại Phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản: “Hải Phòng là điểm sáng trên cả nước về thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư từ trước đến nay, riêng Nhật Bản có 144 dự án với tổng số vốn là 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên, so với một số nước như Hàn Quốc, Mỹ… công nghệ mà các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Hải Phòng được đánh giá cao nhất hiện nay. Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng tập trung vào các lĩnh vực được thành phố quan tâm như cảng biển, logistics…".
"Hải Phòng cũng đang là thành phố có sự phát triển mạnh mẽ, năng động về khoa học công nghệ so với nhiều địa phương trên cả nước. Đồng thời, mô hình phát triển của TP Hải Phòng dựa trên khoa học công nghệ là chủ yếu. Chính vì vậy, đã đến lúc thành phố cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc hợp tác, mua bán, trao đổi công nghệ, sớm chiếm lĩnh được thị trường khoa học công nghệ trên thế giới”, ông Tuấn cho biết thêm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này đã khiến cho hàng hóa, sản phẩm mất đi cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Xuân Phong – CEO Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ LeanMac chia sẻ: “Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi cũng đang gặp nhiều khó khăn về việc tiếp cận công nghệ và đổi mới sáng tạo do những thiếu hụt về vốn và năng lực. Nếu không nhanh chóng chuyển đổi, học hỏi, đổi mới công nghệ sẽ dễ dàng bị kéo dài khoảng cách so với các doanh nghiệp phát triển. Những buổi kết nối như vậy sẽ tăng thêm cơ hội trao đổi cho các doanh nghiệp như chúng tôi. Tôi thực sự bất ngờ khi các doanh nghiệp Việt Nam tới tham dự phiên kết nối lần này rất đông đảo, khác hẳn so với những lần trước. Tuy nhiên để đánh giá về sự hiệu quả, tôi cho rằng chúng ta vẫn không nên chỉ dừng lại ở việc mua, chào bán công nghệ mà cần phải huấn luyện thói quen tiêu dùng, mang công nghệ tới đây áp dụng tại Việt Nam sau đó mới có thể chuyển giao một cách hiệu quả”.
Được biết, TP Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của vùng Bắc Bộ, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ biển của cả nước vào năm 2025, trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển vào năm 2030.
Do vậy, nhu cầu đổi mới công nghệ đang trở thành sức nóng, lan tỏa đến tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực chung.
Ông Ono Hirokaru – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Kitakyushu nhấn mạnh: Phiên kết nối là hoạt động quan trọng nhất trong chuyến đi lần này, vừa củng cố thêm mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội giúp chúng tôi tìm kiếm thêm được nhiều đối tác để trao đổi mua bán, chuyển giao công nghệ. Như vậy, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thêm kinh tế, khoa học và đổi mới sáng tạo, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngay tại phiên kết nối, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được kết nối trực tiếp 1:1 với các doanh nghiệp Nhật Bản. Thông qua việc nay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, đổi mới đầu tư, giải mã công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Xuân Phong cho biết thêm: Việt Nam và Nhật Bản đang là những mảnh ghép đang thiếu của nhau. Chính vì vậy, cần nắm bắt cơ hội hợp tác, trao đổi, liên kết về máy móc, công nghệ, kinh nghiệm, nhân lực, mặt bằng, nguyên vật liệu… để hướng tới mục tiêu vươn lên, tạo nhiều giá trị kinh tế bền vững cho đất nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẵn sàng được tham quan trực tiếp tại các doanh nghiệp của Việt Nam để tìm hiểu, chia sẻ và trao đổi thêm các thông tin liên quan về nhu cầu công nghệ, tiến tới ký kết, hợp tác lâu dài trong tương lai.