Thành công của doanh nghiệp không chỉ là mục tiêu lợi nhuận kinh tế mà còn hướng đến đảm bảo tiến bộ xã hội, công bằng giới, tôn trọng và bảo vệ môi trường.
>>>Liên kết hình thành chuỗi giá trị xanh thực hiện ESG
Tại diễn đàn nữ doanh nhân mùa thu do Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam với chủ đề “Phát triển bền vững: Góc nhìn từ văn hóa doanh nghiệp và quản trị công ty”, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCBSD) đã nhấn mạnh: cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy và kiến tạo nền kinh tế xanh. Xu thế kinh doanh thời gian tới gắn liền với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu và kinh doanh vị tự nhiên, đòi hỏi doanh nghiệp cần xanh hơn, nghĩ nhiều hơn về những tác động đến thiên nhiên khi đưa ra các sản phẩm và dịch vụ.
Thành công của doanh nghiệp, theo Phó Chủ tịch VCCI đang định nghĩa lại trên cách thức kinh doanh. Đó không chỉ là gắn với lợi nhuận về kinh tế mà còn đảm bảo tiến bộ xã hội, giới và công bằng giới, tôn trọng và bảo vệ môi trường. Kinh doanh bền vững là năng lực của doanh nghiệp trong việc kiến tạo tác động tích cực về môi trường, xã hội và thể hiện qua chiến lược phát triển của doanh nghiệp gắn với ngành nghề. Trong đó, ESG là xu thế tất yếu, cung cấp khung đánh giá về môi trường, xã hội và quản trị trong vận hành doanh nghiệp.
Nhấn mạnh ESG không phải là sự lựa chọn mà là rất nhiều cơ hội, là giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI cho biết thêm: để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện ESG hiệu quả, VCBSD và VCCI sẽ có những hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể, chi tiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần định vị lại, xác định nguồn vốn quan trọng đang khai thác sử dụng, trong đó nguồn nhân lực trong vốn xã hội có vai trò rất quan trọng, liên quan đến việc định vị lại thực hiện ESG trong doanh nghiệp.
Trước đó, phát biểu tại diễn đàn, ông Darryl Dong - Kinh tế trưởng Tổ chức Tài chính quốc tế IFC tại Việt Nam cũng khẳng định: ESG là “vũ khí bí mật” để doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Theo ông Darryl Dong, ngoài những thách thức chung mà các doanh nghiệp đối mặt, phụ nữ Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo còn phải đối mặt với những thiệt thòi, chịu tác động không cân xứng từ biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp SME do phụ nữ lãnh đạo phải đối mặt với khoảng cách tài chính rất lớn hàng năm là 1,2 tỷ USD so với các doanh nghiệp SME vừa và nhỏ do nam giới lãnh đạo. Phụ nữ có trình độ tương đương với nam giới kiếm được ít hơn 12% thu nhập…
>>>Trách nhiệm xã hội là nhân tố để doanh nghiệp phát triển bền vững
Với ESG, ông Darryl Dong cho rằng là “vũ khí” để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế, cạnh tranh tốt hơn. ESG san bằng sân chơi không bình đẳng, mang lại danh tiếng cho doanh nghiệp, sự công nhận của thị trường và giá trị doanh nghiệp. Các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những đối tác có nền tảng quản trị vững chắc, vượt xa hiệu quả tài chính để quản lý rủi ro, nâng cao vị thế doanh nghiệp, giảm chi phí, đảm bảo nhân sự và tăng cường mối quan hệ chất lượng với các bên liên quan.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Cao Thị Ngọc Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Đá quý Phú Nhuận (PNJ), thành viên HĐQT VIOD khẳng định: trong xu thế phát triển bền vững, văn hoá doanh nghiệp được coi là yếu tố “lõi” của năng lực canh tranh, là nền tảng phát triển của doanh nghiệp. Khi nền tảng văn hoá vững, doanh nghiệp mới phát triển bền vững.
Văn hóa kinh doanh có thể chưa tạo ra lợi nhuận ngay tức thì cho doanh nghiệp nhưng là nền tảng giúp doanh nghiệp tăng ngưỡng chịu đựng, vượt qua thử thách. Điều này có thể thấy rõ ràng trong thời kỳ khủng hoảng với những rủi ro phi truyền thống như dịch COVID -19, thiên tai, biến đổi khí hậu… Hiện nay báo cáo về ESG đang được áp dụng để đo lường tính bền vững của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố xuyên suốt, là bệ đỡ và lực đẩy của cả ba yếu tố cấu thành là môi trường, xã hội và quản trị.
Nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam cùng mạng lưới Hội nữ doanh nhân các tỉnh thành đã đưa nội dung quan trọng trên vào mục tiêu và chương trình hành động cả năm với chủ đề “Kết nối giá trị xanh - Tạo tác động phát triển bền vững”.
Có thể bạn quan tâm
Bài học phát triển bền vững từ Frasers Property Vietnam
10:00, 04/10/2023
Doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận tới 7-8 lần nhờ phát triển bền vững
07:32, 26/09/2023
Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 4 - Quyết tâm vượt thách thức
01:14, 24/09/2023
Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 3 - kiểm soát lạm phát
05:00, 23/09/2023
Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 2 - Nỗ lực từ cải cách thể chế
01:00, 23/09/2023
Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 1 - Biến đổi về xã hội - môi trường
01:00, 22/09/2023
5 giải pháp phát triển bền vững và xanh hóa ngành dệt may Việt Nam
01:30, 17/09/2023
Trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững
00:30, 04/09/2023