Kết nối vùng Đông Nam Bộ và Long An: Kết nối - Hợp tác - Phát triển

ĐÌNH ĐẠI 16/02/2023 03:54

Đây là mục tiêu của buổi gặp gỡ Xuân Quý Mão giữa VCCI với lãnh đạo 7 địa phương khu vực phía Nam và cộng đồng doanh nghiệp do VCCI tổ chức.

>>>Tăng cường hợp tác giữa VCCI với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp

>>>Năm 2023 sẽ tiếp tục là năm thành công xuất sắc của VCCI

 Lãnh đạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Long An cùng lãnh đạo VCCI và đại diện các doanh nghiệp tại cuộc gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão.p/Ảnh: Q.Tuấn

Lãnh đạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Long An cùng lãnh đạo VCCI và đại diện các doanh nghiệp tại cuộc gặp gỡ VCCI Xuân Quý Mão. Ảnh: Q.Tuấn

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết số 31 ngày 30/12/2022 về phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là cơ hội rất lớn cho các tỉnh, thành trong khu vực bứt phá phát triển.

Thực hiện 3 mục tiêu

Chủ tịch VCCI Phạm tấn Công cho biết, kể từ Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII vào tháng 12/2021, VCCI đã có tầm nhìn và chiến lược hoạt động mới, gắn với mục tiêu xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng. Với tầm nhìn mới, VCCI đang chuyển mạnh các hoạt động hướng tới phục vụ nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp và các địa phương.

Thời gian tới, VCCI sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố để cùng địa phương thực hiện 3 mục tiêu: Thúc đẩy sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp địa phương; Mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong nước và quốc tế; Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời, phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Cũng nói về cơ hội hợp tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 là những định hướng, những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để phát triển vùng Đông Nam Bộ, cũng như TP.HCM đúng với vai trò của một vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, TP.HCM là đầu tàu, là trung tâm và là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm.

Đặc biệt đối với Nghị quyết 24, Trung ương đã giao cho Thành phố triển khai các đề án quan trọng như: Dự án xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; Dự án xậy dựng TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế; Dự án xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm kết nối các sàn giao dịch công nghệ với các Trung tâm đổi mới sáng tạo trên cả nước; Dự án đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển container tại Cần Giờ; Dự án hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ logistics dọc theo các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM và các cao tốc và Dự án phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài – TP HCM – Cái Mép...

Những dự án trên là cơ sở để TP HCM thực hiện vai trò đầu tàu kết nối các tỉnh trong khu vực cùng hợp tác phát triển. Qua đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có cơ hội để bứt phá trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước.

Còn nhiều thách thức

Doanh nhân Trần Bá Dương – Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Thaco Group cho rằng, những phát triển về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, là phương tiện, công cụ để góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phát triển kinh tế còn phải là năng lực cạnh tranh, vừa là cạnh tranh trong nội vùng và lớn hơn là cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

“Nền kinh tế một vùng, hay của một tỉnh đòi hỏi phải có tính tích hợp và bổ trợ. Trong phân công trách nhiệm đối với lãnh đạo các địa phương, cũng như đối với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ cũng cần phải tạo ra được tính tích hợp và tính bổ trợ. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung phát triển các ngành nghề ở các cấp độ đầu mối, các ngành nghề đòi hỏi chế biến sâu, hàm lượng công nghệ cao phù hợp với trình độ nhân lực và mức sông của từng địa phương”, ông Dương nhận định.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá, Đông Nam Bộ là khu vực có tốc độ phát triển cao, tốc độ đô thị hóa nhanh. Các địa phương trong vùng đóng góp gần 32% GDP của cả nước và là nơi thu hút nhiều lao động từ khu vực nông thôn, nơi giải quyết sinh kế cho hàng triệu lao động từ các khu vực khác.

Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ đang đối diện với những thách thức lớn trong phát triển kinh tế như: cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường và chất lượng quản trị công...

Từ những thách thức trên, ông Đậu Anh Tuấn nêu những kiến nghị với các tỉnh Đông Nam Bộ+, cụ thể: Nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Thúc đẩy liên kết vùng một cách toàn diện, với ưu tiên trước mắt là phát triển cơ sở hạ tầng; Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa tới các kế hoạch hành động về phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường; Đồng thời, tiếp tục các nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công và tạo thuận lợi môi trường kinh doanh...

Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước:
Lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp

Bình Phước đang khẩn trương phối hợp với các tỉnh bạn để đẩy nhanh tiến độ, thủ tục xây dựng các tuyến cao tốc kết nối liên thông với TP.HCM, với sân bay quốc tế Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải.

Ngoài ra, với nền tảng 4 tốt (Hạ tầng tốt – Nhân lực tốt – Chính sách tốt – Dịch vụ công tốt), Bình Phước xác định mục tiêu hướng đến là đáp ứng tốt nhu cầu, làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe ý kiến góp ý, đề xuất của doanh nghiệp rồi chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và sẵn sàng xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến cán bộ nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp cũng như người dân.

Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 24 của Trung ương, tỉnh xác định rất rõ nhiệm vụ trọng tâm đó là tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển một cách đúng đắn, đồng bộ, tạo sức mạnh cho hệ thống, phát huy được thế mạnh, khắc phục mọi khó khăn để Bình Phước phát triển phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, trở thành địa phương phát triển hiện đại, sinh thái văn minh và bền vững. Hiện Tỉnh đã xây dựng hơn 60 đề án, kế hoạch có tính định hướng trên các lĩnh vực.

Ông Lê Ngọc Khánh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:
Thực hiện vai trò “cửa ngõ” khu vực

Trong Nghị quyết 24, Bộ Chính trị đã xác định 05 nhóm mục tiêu phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả công nghiệp, cảng biển và du lịch; tiếp tục phát triển, hiện đại hoá cảng “cửa ngõ” quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế; Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Làm cơ sở thực hiện Nghị quyết, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh, tỉnh đang tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu như: Đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, các dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của Côn Đảo...

Đây là những dự án rất cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra động lực mới, hình thành những không gian phát triển kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của tỉnh, để Bà Rịa-Vũng Tàu tự tin, vững vàng trở thành một cực tăng trưởng của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị.

Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam:
Lãnh đạo địa phương gặp gỡ các ngân hàng

Vấn đề vốn không lúc nào hết nóng, đặc biệt là giai đoạn hiện nay. Mặc dù, để giải quyết điểm nghẽn về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc gặp để lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản.

Chúng tôi đề xuất tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các ngân hàng tại địa phương, để nắm được những thông tin cụ thể, rõ ràng về các tiêu chí, hạn mức cho từng lĩnh vực như thế nào. Đối với bất động sản cần có các tiêu chí rõ ràng để các doanh nghiệp nhìn lại các dự án của mình để đánh giá các tiêu chí đó có phù hợp không. Khi có thông tin từ ngân hàng rõ ràng, cụ thể, cách tiếp cận tốt hơn, sẽ giải quyết được phần nào những khó khăn cho nguồn vốn hiện nay.

Từ đó, lãnh đạo TP HCM cũng như các địa phương mời lãnh đạo các ngân hàng họp mặt để trao đổi cụ thể về chủ trương. Qua đó, lãnh đạo các ngân hàng cũng sẽ cung cấp những thông tin ở góc độ quyết định được tại ngân hàng. Đồng thời, vì sự phát triển của ngân hàng tại địa phương, các ngân hàng cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp tại địa phương đó tốt hơn.

Ngoài ra, chúng tôi đề xuất, TP.HCM và VCCI cần tổ chức những lớp đào tạo miễn phí về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu những vấn đề cơ bản của chuyển đổi số để áp dụng cho doanh nghiệp.

Ông Lê Ngọc Lâm – TGĐ Ngân hàng BIDV
Đảm bảo ổn định thanh khoản thị trường

Việt Nam có những tác động từ bên ngoài, cũng như từ trong nước thường diễn biến chậm hơn so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Ảnh hưởng từ lãi suất tăng và lạm phát cũng chậm hơn, do đó, hoạt động của các ngân hàng trong năm 2022 vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, sang năm 2023 sẽ có những khó khăn nhất định do những khó khăn của nền kinh tế bắt đầu bộc lộ. Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2022, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng, dẫn đến lãi suất cho vay cũng tăng theo.

Với vai trò là một định chế tài chính lớn, chúng tôi sẽ cùng với NHNN đảm bảo việc ổn định thanh khoản thị trường để kiểm soát lãi suất đầu vào, nhằm kiểm soát lãi suất đầu ra. Trong thời gia qua, các ngân hàng lớn cũng đã cố gắng để không tăng lãi suất đầu vào.

Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, vừa qua, BIDV cũng đã tổ chức gặp và làm việc với 15 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, sau đó, Thống đốc NHNN cũng đã tổ chức gặp và làm việc với 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Để ngân hàng có thể đồng hành hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, các chủ đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, để hoàn thiện thủ tục vay vốn tại ngân hàng. Về phía ngân hàng, chúng tôi cam kết sẽ làm việc với từng chủ đầu tư để nghe chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc để hai bên cùng có được sự đồng hành, chia sẻ và tìm được tiếng nói chung.

Có thể bạn quan tâm

  • Đông Nam Bộ: Chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến

    Đông Nam Bộ: Chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến

    13:09, 12/02/2023

  • Cơ sở pháp lý để Đông Nam Bộ và TP. HCM phát triển

    Cơ sở pháp lý để Đông Nam Bộ và TP. HCM phát triển

    11:13, 12/02/2023

  • Kinh tế Đông Nam bộ: Tiếp tục giữ vị trí “đầu tàu” kinh tế cả nước

    Kinh tế Đông Nam bộ: Tiếp tục giữ vị trí “đầu tàu” kinh tế cả nước

    17:32, 22/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kết nối vùng Đông Nam Bộ và Long An: Kết nối - Hợp tác - Phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO