Đã đến lúc du lịch nội địa phải được coi là thị trường trọng điểm chứ không phải chỉ những lúc cần “cấp cứu” khi du lịch quốc tế “đóng băng”.
Năm 2020, du lịch Việt Nam lần thứ 2 phải đối mặt với khủng hoảng do dịch bệnh kể từ dịch SARS năm 2003. Và một lần nữa, du lịch nội địa đã khẳng định vai trò “cứu nguy” cho du lịch Việt trong khi chờ phục hồi thị trường quốc tế.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ, doanh thu từ ngành du lịch Việt năm 2019 có tới 45% là từ khách nội địa. Bối cảnh dịch bệnh toàn cầu tạo ra “cơ hội vàng” cho du lịch Việt bởi nhóm khách Việt trước đây hay du lịch quốc tế thì nay sẽ quay lại khám phá Việt Nam.
Nhóm khách này có khả năng chi trả cao nên nếu phục vụ tốt, có sản phẩm mới chất lượng thì họ sẽ gắn bó lâu dài hơn với du lịch Việt. Bộ VH-TT&DL dự báo, nếu khống chế được dịch bệnh tốt như hiện nay thì lượng khách nội địa năm 2020 có thể đạt khoảng 60-65 triệu lượt.
Tuy nhiên, điều cần nói, dù có nhiều chương trình kích cầu nội địa được đưa ra nhưng du lịch nội địa vẫn kém sôi động, người dân đang “thắt lưng buộc bụng” do thu nhập giảm. Hơn nữa, vào thời điểm tháng 6 năm nay học sinh, sinh viên vẫn chưa kết thúc năm học, nên có thể nói là kích cầu du lịch nội địa vẫn đang gặp khó khăn.
Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, để phục hồi ngành du lịch, cần chú trọng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các địa phương cần xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần (1-2 tháng đầu miễn phí, sau đó giảm 50% tới hết năm).
Cũng nêu rõ quan điểm là giảm giá nhưng kiên quyết phải giữ vững chất lượng sản phẩm dịch vụ, không những thế còn phải gia tăng thêm giá trị, tiện ích cho khách hàng. Từ đó, khách hàng cảm nhận được đây là cơ hội tốt nhất để đi du lịch.
Sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng nhất để thu hút du khách, nên để kích cầu thành công, mỗi doanh nghiệp lữ hành cần thực sự đầu tư vào sản phẩm. Bởi lẽ vào thời điểm này du lịch chỉ có thể dựa vào khách nội địa, sản phẩm ngoài mức giá tốt, chất lượng cao, hấp dẫn còn phải đảm bảo an toàn mới có thể tạo động lực cho khách hàng quay lại nhiều lần.
“Việc khai thác khách nội địa ở Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào tình yêu, sự cảm thông của khách mà các doanh nghiệp cần phải xác định là “lữ hành Việt chinh phục du khách Việt”. Điều quan trọng là các doanh nghiệp lữ hành phải thu hút du khách bằng các sản phẩm hấp dẫn chứ không chỉ là kích cầu, kêu gọi chia sẻ khó khăn với ngành du lịch”, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan nhận định.
Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, đây là thời điểm vàng để kích cầu du lịch nội địa, nhưng tới đây chính là thời điểm vàng để phát triển thị trường du lịch nội địa. Mục tiêu là phát triển về số lượng khách, sản phẩm, đặc biệt là giá trị sản phẩm du lịch mà ngành cung cấp cho du khách, để thị trường cho du khách Việt phát triển bền vững chứ không chỉ giới hạn ở thời điểm bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón khách quốc tế trở lại. Trong trường hợp có thể bắt đầu đón khách được từ quý III thì lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2020 có thể đạt từ 6-8 triệu lượt. Nếu đón từ quý IV thì có thể đạt được 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 05/07/2020
16:00, 29/06/2020
00:00, 05/06/2020
04:00, 13/05/2020
14:47, 08/05/2020