Hôm nay, ngày đầu tiên các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc tổ chức tour sang Việt Nam. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam gia tăng lượng khách quốc tế.
>>Diện mạo du lịch Việt Nam sau 1 năm mở cửa
Tại Hội nghị du lịch toàn quốc năm 2023, Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, chiều nay (15/3), thị trấn Cao Lộc - huyện Cao Lộc - Lạng Sơn sẽ đón đoàn 124 du khách Trung Quốc đầu tiên theo đường bộ vào Việt Nam.
Việc Trung Quốc mở cửa du lịch với Việt Nam mang đến nhiều kỳ vọng, song cũng đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam phải gấp rút triển khai những giải pháp mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội này.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thu Hoài, đại diện Công ty Du lịch Phương Nam (đơn vị đón đoàn khách tại Lạng Sơn) cho biết, sau khi đi qua cửa khẩu Hữu Nghị, đoàn sẽ có 4 ngày trải nghiệm ở Hà Nội, Hạ Long.
Để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã lên kế hoạch tăng số chuyến bay thuê chuyến (charter), bay thẳng từ Trung Quốc đến các điểm đến như Việt Nam, Hà Nội… Hãng hàng không Vietravel Airlines phối hợp với Công ty du lịch Vietravel và một số đối tác để thực hiện các chuyến bay charter từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại, trong đó sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
>>Hiến kế để tạo đột phá trong phát triển du lịch
Xây dựng sản phẩm mới
Không chỉ tập trung vào việc thu hút, đón khách Trung Quốc, các đơn vị doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đang khẩn trương xây dựng các sản phẩm du lịch đưa khách đến Trung Quốc, bởi đây là thị trường lớn, thu hút nhiều khách Việt Nam.
Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết, đoàn khách Trung Quốc sớm nhất tới Việt Nam qua doanh nghiệp của ông là vào cuối tháng 3, tức là chỉ sau 2 tuần Trung Quốc có chính sách mở cửa mới.
“Chúng tôi dự kiến khoảng đầu tháng 5 những đoàn khách Trung Quốc mới sang Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đang khẩn trương liên hệ với doanh nghiệp Trung Quốc, báo giá và liên kết chặt chẽ trong việc mời các đối tác sang khảo sát, góp ý để có thể đưa ra sản phẩm phù hợp với xu hướng du lịch hiện tại của khách Trung Quốc. Đây là thời điểm vàng mà các doanh nghiệp đều đang chờ đợi từ lâu.”, ông Thái nói.
Ông Thái phân tích thêm, với vị trí giáp ranh, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hơn nữa chi phí di chuyển hay chi tiêu cho lịch trình du lịch Việt Nam từ 5-6 ngày sẽ không quá lớn nên rất có thể du khách Trung Quốc sẽ sang Việt Nam sớm hơn dự đoán.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết hãng cùng công ty du lịch Vietravel đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian sắp tới. Hãng sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) như Hàng Châu - Cam Ranh, Thường Châu - Cam Ranh, Côn Minh - Cam Ranh.
“Trung Quốc là thị trường luôn được kỳ vọng góp phần phục hồi của ngành hàng không và ngành du lịch Việt Nam. Vietravel Airlines đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để sẵn sàng tiếp cận và phục vụ khối lượng lớn khách hàng tiềm năng đặc biệt là trong dịp cao điểm hè” - bà Hoàng chia sẻ thêm.
Theo Tổng cục Du lịch, giai đoạn trước dịch COVID-19 từ 2015-2019, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất, đạt mức tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt, chiếm một phần ba tổng lượng khách quốc tế. Vì thế, việc du lịch Việt Nam - Trung Quốc khơi thông đang là cơ hội vàng để du lịch Việt Nam có thể gia tăng lượng khách quốc tế, đạt chỉ tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
10:48, 14/03/2023
16:05, 13/03/2023
03:00, 09/03/2023
12:00, 27/02/2023