Đà Nẵng vẫn là thành phố đáng sống, đáng để đầu tư, đáng để giới doanh nhân “dừng chân” trong chiến lược kinh doanh của mình.
Hơn 20 năm từ khi trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, dù có những “bước hụt”, đôi lúc làm chùn chân giới doanh nghiệp, doanh nhân nhưng Đà Nẵng vẫn là thành phố đáng sống, đáng để đầu tư, đáng để giới doanh nhân “dừng chân” trong chiến lược kinh doanh của mình.
Còn nhớ, khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Thay vì sao chép, lặp lại vòng luẩn quẩn, Đà Nẵng phải tạo ra sự khác biệt, phải trở thành một thành phố độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới”.
Tôi người Đà Nẵng, lại gần sông Hàn nên không có gì là ngạc nhiên khi từ nhỏ, trong tôi đã luôn vang vọng câu ca khuyết danh xưa: “Ở bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân, ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…” mô tả cái cảnh đối lập cảnh quan hai bờ: Bờ đông sông Hàn là quận ba (quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) ngày ấy rất hoang sơ với nhà cửa chắp nối, dân cư rải rác chẳng khác chi một vùng quê nghèo. Trung tâm thành phố (quận Hải Châu), nhà cửa san sát, mọi người dân thường tập trung khu vực này mua bán, trao đổi công việc làm ăn với nhau, nhưng cũng chẳng mấy nhộn nhịp. Khi ấy, sông Hàn vẫn còn khá hoang vắng, đơn sơ. Trên sông lúc đó chỉ có bóng dáng của những người làm nghề lái đò, người dân buôn bán trên ghe thuyền, những công trình tạm bợ.
Và là một người dân Đà Nẵng khi ấy, có lẽ không ai là không một lần bước lên những chuyến phà ngang qua lại đôi bờ; không nhớ những khu nhà chồ với những nóc nhà có cọc cắm sâu xuống lòng sông, không đường, không điện, không bệnh viện, không nước sạch, thậm chí người cũng không hộ khẩu; những con đường dốc đá gồ ghề, những căn nhà chồ hai bên bờ sông, những xóm mía, xóm củi, cái thành phố bé xíu xiu, đi chút thôi là hết, nghe đến Hòa Cường thôi là xa thăm thẳm, huống gì lên đến Hoàn Khánh, Liên Chiểu,...
Hiện tại, Đà Nẵng đang quan tâm đến một số vấn đề phát triển đô thị: quy hoạch giao thông; quản lý môi trường, rác thải; thành phố thông minh; phát triển du lịch bền vững; đổi mới sáng tạo...
Ngày 01/01/1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, đánh dấu một giai đoạn đầy triển vọng. Và từ đó, với sự dám nghĩ, dám làm; cho quyết tâm, khát vọng vươn lên không ngừng nghỉ từ lãnh đạo tới mỗi người dân Thành phố đã đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp một số tuyến giao thông huyết mạch, chỉnh trang, cải thiện hạ tầng kỹ thuật cho các khu phố cũ. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng, từ chỗ diện tích vùng nội ô chật hẹp đã mở rộng đến hàng chục nghìn ha, từ việc chỉ có 360 đường phố, thì hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 2.000 con đường có tên đường, những vệt cát trắng ven biển trở thành đại lộ, khu nhà chồ trên sông Hàn được giải tỏa nhường chỗ cho những cây cầu hiện đại... Sự thay đổi thấy rõ từng ngày, trước đó ai từng ở Đà Nẵng sau một năm quay lại cũng phải dò hỏi đường bởi phố xá thay đổi từng ngày, khang trang hơn, to đẹp hơn,..
Nhắc lại những câu chuyện cũ nói trên để thấy rằng để có được như ngày hôm qua, Đà Nẵng đã phải nỗ lực hết mình, vươn lên từ trong gian khó. Và việc phát triển nóng trong thời gian hơn 20 năm đã tạo nên một Đà Nẵng tươi mới, đầy sức sống nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ những hạn chế, dẫn đến một số sai lầm không đáng có khiến Đà Nẵng hơn hai năm gần đây phải chựng lại, gây hoang mang cho người dân, doanh nghiệp và cả viên chức của Thành phố đáng sống.
Có lẽ đó cũng chính là một trong những nguyên do mà năm 2019, Đà Nẵng chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay với chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,47%, không đạt kế hoạch đề ra là 8,8-9%, là thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 2 bậc so với năm 2018.
Đáng chú ý, tại 5 tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tăng trưởng của Đà Nẵng xếp thứ 3 sau Thừa Thiên - Huế và Bình Định dù được xác định là đầu tàu kinh tế của cả vùng. Toàn TP có tới hơn 2.000 khu đất bị đình trệ, chậm trễ trong giao dịch...
Nhưng tất cả chỉ là quá khứ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất mong sau những gì không hay đã qua chính quyền và người dân Đà nẵng càng gắn chặt hơn, khai thác tối đa thế mạnh nơi đây đang có để cùng phát triển mạnh mẽ hơn và luôn là thành phố dẫn đầu trong các chỉ số cạnh tranh, phát triển. Còn lãnh đạo thành phố sẽ phát huy tối đa các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên sự chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ngừng trao dồi kinh nghiệmđể Đà Nẵng luôn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nhân mạnh dạn đề xuất đầu tư, chung tay xây dựng.
Với tôi cái cảm giác đi đâu thì đi nhưng vừa về đến Đà nẵng là một cảm giác vô cùng thoải mái, nơi mà tôi cho là cảm giác an tâm như được ở trong lòng mẹ. Mỗi khi âm điệu Đà Nẵng vang lên thì cái cảm xúc dâng trào với những ca khúc Tôi yêu Đà Nẵng, một cảm giác đúng nghĩa được sống đúng chất như câu “Thành phố đáng sống” mà lãnh đạo nơi đây đặt ra.