COVID-19 đã “tàn sát” hàng loạt doanh nghiệp nhưng cũng khiến không ít kẻ “lên đời”. Afterpay đang "ăn nên làm ra" tại Mỹ. Tuy nhiên, họ lại gặp phải “kẻ ngáng đường” khó chịu.
Khi nhắc đến hình thức tiêu dùng tín dụng “Buy Now Pay Later– mua trước trả sau”, nhiều người đang nghĩ ngay đến Afterpay – một Startup của Úc đang “ăn nên làm ra” khi thương mại trực tuyến bùng nổ trong đại dịch.
Ở Việt Nam hình thức tiêu dùng tín dụng “mua trước trả sau” chưa thật sự phổ biến. Tuy nhiên, tại Mỹ và các nước châu Âu, dịch vụ này đang trở nên rất “hot” do những tiện ích mà chúng đem lại.
Về bản chất, “mua trước trả sau” gần đúng như tên gọi của nó.
Nếu bạn là người tham gia thương mại điện tử, tình trạng mua hàng online nhưng không hài lòng về sản phẩm thường xảy ra. Với hình thức thanh toán truyền thống như ship COD (Cash on Delivery) hay thanh toán trước rồi giao hàng theo kiểu “tiền trao cháo múc”, bạn sẽ phải ngậm ngùi chấp nhận.
Hình thức tín dụng “Buy Now – Pay Later” ra đời vì lý do đó. Pay Later - trả sau là một hình thức cho phép người tiêu dùng mua hàng và trả sau mà không phải trả thêm bất kì chi phí phát sinh nào. Qua đó giúp hạn chế những rủi ro trong mua sắm online.
Afterpay, một công ty “Buy Now – Pay Later” trị giá vốn hóa thị trường lên đến 18 tỷ đô la Úc. Được thành lập cách đây 5 năm. Afterpay cho phép người dùng mua hàng trả góp theo bốn đợt trong vòng hai tháng. Nền tảng Afterpay có đủ các thứ mặt hàng do các đối tác bán lẻ cung cấp, thời trang, mỹ phẩm, đồ trang trí nhà cửa…
Người mua trả góp từ Afterpay không phải trả lãi nhưng sẽ phải nộp phí trả chậm lên đến trên …25% cho các đơn hàng có giá trị dưới 28 USD nếu họ không thanh toán đúng hạn khoản trả góp. Còn đối với đơn hàng có giá trị từ 28 USD trở lên, phí trả chậm sẽ cao hơn nhưng không quá 12 USD.
Sau khi thắng lớn ở Úc và châu Âu, Afterpay quyết định chuyển hướng đầu tư sang thị trường Mỹ và đây có thể là một quyết định khôn ngoan khi chỉ trong vòng 4 tháng qua, Afterpay thu hút được trên 1,6 triệu người dùng Mỹ.
Thời điểm này, các nhà cung cấp kiểu tín dụng “lãi nằm” kiếm được hầu hết tiền của mình bằng cách tính phí người bán. Vòng quay tín dụng tiêu dùng mới này đã được chứng minh đang thành công đáng kể trong thời gian qua và tạo ra một loạt các đối thủ cạnh tranh đang phát triển nhanh chóng, từ tập đoàn tư nhân trị giá 5,5 tỷ USD - Klarna cho đến Afterpay. Cổ phiếu của Afterpay đã tăng hơn 800% kể từ mức thấp nhất vào tháng 3 năm nay.
Có thể nói, đây là một hình thức tín dụng “thú vị” với tỉ suất lợi nhuận cao ngất ngưởng. Điều đó đang thúc đẩy các “ông lớn” trong lĩnh vực thanh toán đầu tư vào mảnh đất màu mỡ trên.
Tuần trước, tập đoàn chuyển tiền trị giá 247 tỷ đô la, PayPal đã công bố một chương trình trả góp tương tự cho khách hàng Mỹ của mình. Ưu đãi hơn cho người dùng khi họ sẽ gộp sản phẩm vào các khoản phí mà họ đã tính các nhà bán lẻ sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến của mình, hiện tại là khoảng 2% giá trị mỗi giao dịch. Trong khi Afterpay thường tính phí 4% -5%.
Và ngay lập tức, Afterpay đã mất khoảng 10% giá trị thị trường sau khi PayPal tung đòn cạnh tranh.
Theo các chuyên gia phân tích, động thái trên của PayPal có thể sẽ khiến các nhà cung cấp tín dụng trả góp như Afterpay “khó thở”. Với trị giá lên đến 600 tỷ USD doanh thu hàng năm, thị trường hàng hóa trực tuyến của Mỹ đang là mảnh đất màu mỡ mà các nhà cho vay tín dụng đang muốn khai thác một cách triệt để.
Mặc dù các hoạt động kinh doanh tại Mỹ của Afterpay đã tăng gấp ba lần trong năm tính đến tháng 6 và chiếm 36% tổng doanh thu. Tuy nhiên, nếu để tiếp tục phát triển, Afterpay bắt buộc phải giảm phí, trong khi họ vẫn đang lỗ.
Và sự cạnh tranh cũng chỉ mới bắt đầu: các tập đoàn thẻ tín dụng Mastercard và American Express cùng các ông lớn Amazon và Google cũng đang “đánh hơi” thấy con mồi.
Theo dữ liệu của Refinitiv, mặc dù giá cổ phiếu giảm gần đây, Afterpay vẫn được đánh giá cao gấp 25 lần doanh số bán hàng kỳ hạn, đồng thời lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư lớn như là Tencent (Trung Quốc) - một trong hai công ty đang thống lĩnh thị trường thanh toán số hóa ở Trung Quốc. Tencent đã bỏ ra gần 300 triệu USD để mua 5% cổ phần của Afterpay.
Có thể bạn quan tâm
Nạn đánh giá 5 sao giả trên sàn thương mại điện tử Amazon trầm trọng hơn vì COVID-19
11:23, 07/09/2020
Đại dịch COVID-19 và sự bùng nổ của thương mại điện tử tại châu Á
04:45, 25/08/2020
Thương mại điện tử vẫn thua cửa hàng
06:28, 21/08/2020
Chọn thương mại điện tử làm bạn đồng hành
15:00, 17/08/2020
Doanh nghiệp "chạy đua" phát triển thương mại điện tử
03:00, 06/08/2020