Những phiên phân phối chứng khoán với khối lượng giao dịch "khủng" vừa qua cho thấy tiền của nhà đầu tư cá nhân chưa bao giờ cạn. Điều quan trọng là điểm kích phát dòng tiền.
>>>Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục bị giảm tốc bởi tăng trưởng tín dụng
Xu hướng dẫn dắt thị trường của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trên thị trường chứng khoán (TTCK) giai đoạn vừa qua ngày một rõ ràng hơn. Trong 3 năm kể từ khi TTCK bùng nổ với sức kích phát giao dịch của môi trường số trong đại dịch, cho đến năm thị trường phục hồi dần như từ đầu năm 2023-nay, nhà đầu tư cá nhân vẫn luôn giữ vai trò quan trọng.
Thống kê của CTCP Tư vấn Đầu tư FIDT cho thấy tổng giá trị giao dịch của các khối đầu tư nhìn chung thường đi theo xu hướng của VN-Index và trong đó, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò chi phối lớn nhất. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2020 trở lại đây, với sự gia nhập ngày càng lớn của nhóm nhà đầu tư cá nhân, bộ phận này chiếm tỷ trọng vượt trội trong tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Những thời điểm thị trường thăng hoa và tăng điểm mạnh mẽ nhất, nhà đầu tư cá nhân là khối dẫn dắt thị trường.
Xu hướng quyết định mua - bán của các khối cũng có sự "nghịch chiều", nhà đầu tư cá nhân cũng không hoàn toàn "nhìn" nhà đầu tư nước ngoài để mua bán như giai đoạn TTCK sơ khai và nhà đầu tư trong nước mới bắt đầu các thế hệ F0 "làm quen" với chứng khoán.
Chúng ta có thể rõ được xu hướng giao dịch trái ngược của 2 khối nhà đầu tư lớn nhất: Cá nhân trong nước và khối ngoại trong các giai đoạn khác nhau của thị trường.
Thời điểm thị trường tăng điểm mạnh, nhà đầu tư cá nhân liên tục tham gia tích cực và mua ròng với giá trị lớn, trong khi ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh.
Thời điểm thị trường giảm điểm sâu, nhà đầu tư cá nhân lo ngại và rút lui khỏi thị trường với những thời điểm bán ròng với giá trị lớn, trong khi đó khối ngoại lại tích cực mua vào để tận dụng mức giá rẻ của cổ phiếu trên sàn.
Theo FIDT, dựa vào số liệu trong quá khứ, có thể nhận thấy những giai đoạn TTCK Việt Nam tăng mạnh và đạt đỉnh, khối ngoại sẽ có động thái bán mạnh và rút lui khỏi thị trường, ngược lại thời điểm thị trường giảm tốc như thời điểm cuối năm 2022, khối ngoại lại là bên liên tục tham gia vào thị trường và mua ròng rất mạnh.
Với tổ chức trong nước và tự doanh, hai khối này có diễn biến giao dịch khá tương đồng với khối ngoại. Giá trị giao dịch của khối cũng chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng giá trị các khối.
>>>Chứng khoán: Cẩn trọng áp lực bán ròng của khối ngoại
Ở thời điểm này, khối ngoại đảo đã chiều bán ròng và duy trì trạng thái bán ròng liên tiếp kể từ tháng 4. Lũy kế từ tháng 4 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 6.547 tỷ đồng, với hơn 2.772 tỷ trong tháng 4 và 3.078 tỷ trong tháng 5, đà bán suy giảm trong 2 tháng gần đây với con số bán ròng lần lượt ghi nhận là 452 và 334 tỷ đồng.
Xu hướng mở mới tài khoản chứng khoán của NĐT cá nhân
Cũng theo FIDT, nổi bật trong xu hướng của nhà đầu tư cá nhân là sự gia tăng số tài khoản mở mới. Có thể thấy rõ từ số liệu thống kê số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân tỷ lệ thuận với “nhịp điệu” của thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn 2020-2021 và đầu năm 2022, khi VN- Index có một đợt tăng "thần kỳ" từ xấp xỉ 660 điểm lên tới trên 1.500 điểm, nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục lập kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới. Ngược lại, khi thị trường giảm mạnh sau đó, số lượng tài khoản mở mới suy giảm rõ rệt. Sau thời gian khá dài rút lui khỏi thị trường, thị trường hồi phục đã kéo nhà đầu tư mới gia tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2023.
"Xét về tốc độ tăng trưởng mở mới theo tháng, có thể thấy rõ sự cải thiện rõ rệt so với các tháng trước đó và mức mở mới này là khá kinh ngạc khi cao hơn nhiều tháng trong năm 2021, thời kì VN-Index tăng trưởng ấn tượng. Dự báo đà tăng này vẫn sẽ tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm nay", ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích FIDT, dự báo.
Ông Phương cũng nhận định về khẩu vị nhóm cổ phiếu đầu tư của nhà đầu tư cá nhân khá đa dạng, tuy nhiên cổ phiếu small-cap với tính chất đầu cơ cao thu hút mạnh mẽ nhất đối với nhóm này. Dòng tiền cá nhân chủ yếu tập trung vào nhóm vốn hóa nhỏ, penny giúp cho nhóm này có một sóng tăng mạnh trong vòng một hai tháng qua. "Với sự thay đổi mạnh mẽ trong tỷ trọng giao dịch giữa các khối nhà đầu tư từ 2020, nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là nhân tố chính dẫn dắt thị trường, Khối ngoại sẽ tiếp tục là bên bán ròng trong xu hướng thị trường tiếp tục đi lên", ông Phương nói.
Với xu hướng dòng tiền nội dẫn dắt thị trường trong các tháng đầu năm được xác lập rất rõ ràng, Bộ phận Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCK BSC cũng cho rằng, khi chưa có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh trong bối cảnh triển vọng kinh tế kém, thị trường bất động sản đóng băng, mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh so với thời kỳ cao điểm, lượng tiền đáo hạn từ kênh tiết kiệm có thể chuyển một phần sang kênh cổ phiếu. Thanh khoản tốt, tỷ lệ margin ở mức trung bình, cung cổ phiếu phát hành thêm ở mức thấp làm giảm rủi ro trên thị trường cổ phiếu.
"Thị trường chờ cơ hội bước vào trend mới cùng nhịp với khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hơn từ NHNN", nhóm phân tích dự báo.
Trở lại với những phiên phân phối cổ phiếu "siêu đỉnh" trong những ngày đầu tháng 8, theo dữ liệu của FiinTrade, nhà đầu tư cá nhân trong nước và tổ chức trong nước có hành vi bán ròng, nước ngoài và tự doanh mua ròng. Theo đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước quay lại bán ròng sau khi ngừng 1 tuần. Xu hướng Dòng tiền được thể hiện qua tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào Ngân hàng, Dầu khí, Bán lẻ; giảm ở nhóm Chứng khoán, Hóa chất, Điện nước xăng dầu khí đốt. Ngân hàng là nhóm ngành vẫn giữ sự phân hóa trong cùng nhóm, nhưng đã chứng kiến dòng tiền tăng và giá tăng cùng với sự luân phiên vượt đỉnh của các cổ phiếu trong ngành. Nhóm ngành đáng chú ý là Bất động sản; và sức mạnh dòng tiền thể hiện: Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm vốn hóa lớn VN30, giảm ở cả nhóm vốn hóa vừa VNMID và nhỏ VNSML.
Tuy xu hướng mua bán của nhà đầu tư cá nhân đang ghi nhận "khá đối ứng" với nhà đầu tư ngoại một số nhóm ngành tâm điểm và ở một số phiên giao dịch vừa qua, nhưng nhìn chung, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước, từ chỗ là nhóm chiếm 83% tổng giá trị giao dịch trong nửa đầu năm, đang chuyển biến ngày càng tích cực, đặc biệt với nhóm cổ phiếu quan trọng trên thị trường. Điều đó có được một phần từ những chính sách hỗ trợ gỡ vưỡng rất quyết liệt, tích cực, đồng bộ của Chính phủ trên các "mặt trận" từ gỡ vướng pháp lý đến thị trường vốn, tín dụng, và thị trường đang chờ đợi sự khơi thông dòng vốn từ phía người mua.
"Kỳ vọng dòng tiền được khơi thông trên thị trường địa ốc, đi cùng là kỳ vọng bất động sản phục hồi, nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng với các mũi nhọn đầu tư công, sản xuất, tiêu dùng, đã tạo điểm kích phát khơi dòng tiền chảy vào cổ phiếu bất động sản nói riêng và nhiều nhóm ngành nói chung", chuyên gia nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Lãi suất rẻ, đầu tư chứng khoán có phải kênh hấp dẫn?
04:08, 24/07/2023
Rộng cửa cho doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán
11:59, 19/07/2023
Chứng khoán toàn cầu chao đảo trước nhiều thông tin bất lợi
17:30, 03/08/2023
Thanh khoản thị trường chứng khoán trong tương quan với lãi suất
05:05, 03/08/2023
Công ty chứng khoán: Phân hóa lợi nhuận quý 2
04:40, 25/07/2023