Nền tảng nguồn lực con người, đặc biệt là các chuyên gia, cố vấn, giảng viên chuyên nghiệp… về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nền tảng cốt yếu của mọi hệ sinh thái.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Vùng ĐBSCL - Techfest Mekong 2022 với chủ đề “Khát vọng vùng đất Chín Rồng”.
>>Techfest Mekong 2022: Khát vọng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên vùng đất Chín Rồng
Theo ông Trần Văn Tùng chia sẻ, toàn xã hội đã và đang bước vào giai đoạn bình thường mới, phục hồi sau đại dịch thì việc hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ lại càng đóng vai trò quan trọng. Sáng kiến TECHFEST đã được nhân rộng và triển khai thực sự hiệu quả ở ở các tỉnh, thành phố đặc biệt là ở đây, Thành Phố Cần Thơ, đã giới thiệu, quảng bá, trưng bày ý tưởng, dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, nông nghiệp thông minh, công nghệ cao bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, kết nối du lịch vùng,... tiêu biểu của khu vực ĐBSCL phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 sẽ góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; tạo lập văn hóa khởi nghiệp và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa; đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, kết nối các chủ thể; liên kết và phát triển Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo các tỉnh khu vực ĐBSCL, thúc đẩy ứng dụng giải pháp công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, thực hiện thành công mục tiêu của Đề án 844 và chương trình chuyển đổi số quốc gia, ông Trần Văn Tùng nói.
>>TECHFEST Việt Nam 2022: Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia
Ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Cần Thơ sẽ trở thành một trong những địa phương đóng vai trò hạt nhân cùng với các địa phương khu vực ĐBSCL phát triển các lĩnh vực thế mạnh theo hướng mở để thu hút các nguồn lực bên trong và bên ngoài, triển khai các hoạt động để kết nối các mạng lưới và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động ĐMST. Đây cũng là những điểm cốt yếu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được nhắc tới trong Chiến lược Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg vừa qua.
Đây là cơ hội để địa phương nâng tầm, phát triển dựa vào việc nâng cao vai trò của các giải pháp mới từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong ứng phó với đại dịch và góp phần phục hồi nền kinh tế; thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Cần Thơ; và kết nối với sự kiện TECHFEST quốc gia tổ chức vào cuối năm. Sự kiện mang ý nghĩ quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Tôi cũng đánh giá rất cao mô hình thúc đẩy Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở phát triển nguồn lực con người, sự vào cuộc và quan tâm sát sao của lãnh đạo tỉnh, và của cộng đồng khởi nghiệp giàu năng lượng, tâm huyết và quyết tâm của thành phố Cần Thơ, ông Trần Văn Tùng khẳng định.
Ông Trần Văn Tùng muốn gửi đến sự kiện ba thông, một là, nền tảng nguồn lực con người, đặc biệt là các chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên, giảng viên chuyên nghiệp về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nền tảng cốt yếu của mọi hệ sinh thái. Để tạo lập ra những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, cần phải bắt đầu nuôi dưỡng từ những ý tưởng, mô hình nhỏ nhất. Do đó, việc đẩy mạnh hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, phát triển thế hệ trẻ có khả năng thích ứng, tương tác và chủ động trong bối cảnh toàn cầu là điều hết sức cốt yếu.
Hai là, phát triển và huy động các nguồn lực hỗ trợ, tài trợ, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cả từ khu vực công và khu vực tư nhân. Những sáng kiến mới cần phải được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, thậm chí tham gia đặt hàng, thu hút, thử nghiệm các giải pháp mới từ phía cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khi thấy Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN thành phố Cần Thơ xây dựng Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo Cần Thơ theo mô hình mở, gắn kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp và khu vực trường đại học, viện nghiên cứu, với định hướng trở thành hạt nhân kết nối trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với quốc gia và quốc tế. Nơi đây cần trở thành nơi khuyến khích, hỗ trợ, ươm tạo, đầu tư cho các giải pháp đổi mới sáng tạo phục vụ cho chính các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cả cho khu vực công, giải quyết những bài toán kinh tế, xã hội đặc thù của không chỉ trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn trong khắp cả nước.
Ba là, cần thu hút sự tham gia các doanh nghiệp đã trưởng thành, các hiệp hội doanh nghiệp với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa các địa phương, giữa các vùng, liên kết giữa trung ương - địa phương, liên kết, hợp tác quốc tế,..., học tập, nhân rộng chính những mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đã có hiệu quả trong vùng, trong nước, của quốc tế. Thu hút những nhân tài, những mô hình khởi nghiệp tốt của chính người Việt trên khắp cả nước về triển khai tại địa phương, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho chính các doanh nghiệp tại địa phương. Tìm ra những điểm mạnh, phát huy nội lực của địa phương và của vùng thông qua các sáng kiến mới như cụm đổi mới sáng tạo, hàng lang đổi mới sáng tạo.
>>Techfest Sơn La: Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng
Theo ông Trần Văn Tùng, qua các hoạt động này, chuỗi hoạt động phát triển hệ sinh thái sẽ được tiếp tục được mở rộng và phát triển, kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái ngày càng chặt chẽ hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị mới cho hệ sinh thái, và có những sáng kiến mới để kết nối, khai thác nguồn lực giữa các địa phương, tạo ra những cụm đổi mới sáng tạo, hàng lang đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển.
Thông qua sự kiện này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, kì vọng các chuyên gia, nhà đầu tư, cơ quan quản lý sẽ thực sự sẻ chia, thu được những kiến nghị, nhu cầu, mong muốn thực tiễn từ cộng đồng để từ đó, cùng có những giải pháp thiết thực để “khai mở” những tiềm năng nơi vùng đất Chín rồng.
Có thể bạn quan tâm