Khởi nghiệp phải làm gì khi dòng tiền bị thiếu hụt, thu không đủ chi?

Theo Theleader 24/08/2018 04:29

Khi doanh nghiệp lớn dần, phương pháp quản trị tài chính sơ khai trở nên không còn phù hợp, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, phá sản… dù bến bờ thành công ngay trước mặt.

Trong chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công số 13, chúng ta đã được nghe cuộc tranh biện sôi nổi giữa CEO và cổ đông sáng lập của một doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh lĩnh vực dịch vụ Digital Marketing.

Do ban đầu doanh nghiệp còn nhỏ nên Founder và các Co-Founder không lập kế hoạch quản trị tài chính. Tuy nhiên, thời gian sau, doanh nghiệp phát triển lên, các dự án sinh ra nhiều, doanh nghiệp không kiểm soát được các chi phí, thu chi.

Điều này khiến dòng tiền bị rối và thiếu hụt. Doanh nghiệp bắt buộc phải mượn nguồn lực tài chính từ bên thứ ba để giải quyết các vấn đề ngắn hạn.

Trước tình hình đó, Founder cho rằng, doanh nghiệp phải quản trị tài chính bài bản, để minh bạch hoá lợi nhuận thực của công ty. Bởi chỉ khi xây dựng được kế hoạch tài chính thì các khoản thu chi mới hợp lý, quản lý được dòng tiền.

Tuy nhiên các Co-Founder phản đối vì cho rằng, nếu muồn làm chuyên nghiệp thì tốn thời gian và tiền bạc. Chưa kể, thuê người ngoài vào sẽ dễ lộ thông tin, lộ data khách hàng, đặc biệt họ có thể ăn cắp mô hình nên rất nguy hiểm.

Đi tìm lời giải cho bài toán này, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể phát triển ổn định là sự góp mặt của CEO Trần Mạnh Đạt - Giám đốc Công ty Cổ phần D&D; cùng 2 chuyên gia là ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FIS) và ông Hồ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng.

Chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công số 14

Chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công số 14

Theo ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FIS), quan điểm của CEO trong việc giải quyết bài toán này là hợp lí.

Bởi khi doanh nghiệp còn nhỏ, CEO có thể kiểm soát mọi việc, thì vấn đề tài chính ít nảy sinh. Nhưng khi doanh nghiệp lớn dần, phương pháp quản trị này trở nên khủng hoảng, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Do đó, nếu muốn đi đường dài, doanh nghiệp cần có kế hoạch và kế sách tài chính tốt.

Gợi ý mà ông Thắng đưa ra, đó là CEO nên cân nhắc đào tạo nguồn lực trong chính công ty là các nhân viên, các cấp quản lí để họ hiểu và có thể tiếp quản mảng quản trị tài chính. Cách làm này tiết kiệm và ít để lộ thông tin ra ngoài.

Còn trong trường hợp bản thân doanh nghiệp thiếu những chuyên gia như vậy, việc tuyển dụng các nhân sự có trình độ cao từ bên ngoài vào làm là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh, dù là tuyển mới hay đào tạo cũ, vai trò của CEO vẫn là kiểm soát các thông tin, chỉ số, báo cáo tài chính để để cổ đông thấy doanh nghiệp đang hoạt động như thế nào.

Thông qua quá trình nâng cao năng lực của CEO, sẽ nâng cao năng lực nội bộ công ty, từ đó sẽ có nhiều giải pháp để xây dựng một quy trình quản lý tài chính bài bản.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Hồ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng cho rằng, thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của quản trị tài chính. Thiếu tư duy và tầm nhìn trong lập kế hoạch cho hoạt động tài chính, khả năng kiểm soát tài chính doanh nghiệp còn yếu và thụ động.

Cùng với đó, các lãnh đạo doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tác dụng tích cực của quản trị tài chính nên chưa quan tâm đúng mức việc lập các kế hoạch tài chính.

Muốn doanh nghiệp khởi nghiệp có sức đề kháng tốt để đi xa và dài hơn, nút thắt là nằm ở nhận thức về tầm quan trọng của quản lý tài chính. Dù có nhiều chuyên gia nhắc nhở rủi ro, nếu không có nhận thức đầy đủ thì sự cảnh báo đó cũng không có ý nghĩa”, ông Tâm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi nghiệp phải làm gì khi dòng tiền bị thiếu hụt, thu không đủ chi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO