Trang trại chăn nuôi dưới chân núi Cô Tiên của anh Hoàng Đình Quê, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tính sơ bộ gia đình anh đều đặn có khoản lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Anh Hoàng Đình Quê, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) trước vốn là tay mổ lợn bán chợ. Tích lũy được lưng vốn, muốn tìm công việc đỡ vất vả mà lại tránh sát sinh, vậy là anh "buông dao đồ tể" chuyển qua nuôi lợn.Hiện nay anh là tỷ phú nuôi lợn ở chân núi Cô Tiên. Nhiều người nói, kể ra anh Quê cũng có cách làm giàu khác người.
Tôi ấn tượng với trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là Công ty CP) cách đây cả chục năm khi cùng cán bộ ngành nông nghiệp tới thăm một cơ sở chăn nuôi lợn ở xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Giữa trời tháng Sáu mà vào chuồng nuôi lợn mát lạnh, không hề có mùi chất thải. Đặc biệt, ở một góc tôi thấy có cả giường, màn. Hỏi ra mới biết là chỗ nghỉ của công nhân để chăm lợn nái đẻ. Mới đây, một lần nữa tôi lại bất ngờ khi “mục sở thị” trang trại chăn bạc tỷ dưới chân núi Cô Tiên của một hộ dân thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn (cùng huyện Yên Dũng) cũng liên kết sản xuất với doanh nghiệp này bởi quy mô sản xuất và lợi nhuận thu được.
Chủ trang trại này là anh Hoàng Đình Quê (50 tuổi). Anh Quê ngày trước chuyên thịt lợn bán chợ. Sau khi tích lũy được lưng vốn, anh có ý định chuyển sang nghề khác cho đỡ vất vả đêm hôm, lại không phải ngày nào cũng sát sinh.
Anh kể: "Đất ở và đất vườn đồi của gia đình tôi khá rộng do là bố mẹ tôi là những người năng động nên đã chuyển từ trong làng Quỳnh Sơn ra khu vực Hố Chùa dưới chân núi Cô Tiên, gần sông Cần Giàn (một nhánh của sông Lục Nam) phát triển kinh tế mấy chục năm trước. Sau một số năm khai hoang phục hóa, gia đình tôi, rồi một số hộ khác cũng chuyển ra đây sinh sống biến khu vực này thành xóm, thành làng như ngày nay".
Bởi vậy, sau khi bỏ nghề đồ tể, công việc của thợ thịt lợn, từ năm 2008 đến năm 2011, anh Quê chuyển sang chăn nuôi lợn thịt với quy mô nông hộ. Kết quả là nhiều năm lãi lớn nhưng cũng có năm không lãi, thậm chí là lỗ vốn do tác động bất lợi của dịch bệnh, giá cả thị trường biến động mạnh.
Thấy một người bạn liên kết với Công ty CP chăn nuôi gà rất hiệu quả, anh đặt vấn đề nhờ bạn giới thiệu với đại diện Công ty tại Bắc Giang để đầu tư chăn nuôi gà. Thế nhưng khi đại diện CP về khảo sát, họ tư vấn cho anh nên nuôi lợn bởi nơi gia đình anh ở khá biệt lập, dưới chân núi lại gần sông nên sẽ hạn chế tối đa dịch bệnh.
Thời kỳ còn theo nghề đồ tể thịt lợn, anh Quê đã đi khắp trong làng ngoài xã mua lợn về nuôi để mổ dần nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm chăn nuôi. Hơn nữa lại được đại diện Công ty cho biết sẽ có cán bộ thú y theo sát, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi nên anh càng tự tin hơn.
“Mọi việc cơ bản thuận lợi chỉ còn vấn đề duy nhất là đường vào trang trại quá nhỏ, xe tải không thể vận chuyển giống, thức ăn và sản phẩm chăn nuôi ra vào được. Vậy là tôi lại phải đầu tư mua máy xúc về mở rộng đường cho ô tô đi lại thuận tiện”, anh Quê cho biết.
Đầu năm 2012, trên diện tích đất của gia đình, anh Hoàng Đình Quê đầu tư 1 trang trại chăn nuôi diện tích 720m2, quy mô 500 con lợn thịt/lứa với chi phí ngót nghét 1 tỷ đồng. Cuối năm, anh đầu tư thêm một trang trại nữa với cùng diện tích.
Lợn giống, thức ăn, thuốc thú y, công tác phòng chống dịch bệnh cho lợn và đầu ra của sản phẩm do Công ty đảm nhiệm, anh chỉ việc bỏ công sức làm theo hướng dẫn nên năm nào anh Quê cũng thu được khoản lãi không nhỏ.
Năm 2016, anh Quê mở rộng quy mô lên 4 trang trại, nuôi 2.000 con lợn thịt/lứa. Không chỉ nuôi lợn, anh còn chăn nuôi vịt cho Công ty CP với 2 trang trại, quy mô 9.000 con/lứa. Hiện nay, tính sơ bộ gia đình anh đều đặn có khoản lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Từ liên kết chăn nuôi, gia đình anh Quê đã có “của ăn của để”. Trang trại chăn nuôi của anh giờ đây đã nổi tiếng khắp vùng. Chia sẻ về nghề, anh Quê cho biết, quá trình liên kết chăn nuôi với Công ty CP, tôi được tiếp cận và học tập kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi lợn cũng như kinh nghiệm quản lý. Doanh nghiệp có cơ chế khoán sản phẩm khuyến khích chủ trang trại, đầu ra không phải lo nên thu nhập hàng năm của gia đình ổn định.
Được biết, con trai anh Quê đang theo học Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyên ngành chăn nuôi thú y với mục đích tiếp tục gắn bó với nghề này...
"Nhiều người khuyên tôi nên tách ra làm riêng nhưng tôi chưa nghĩ tới điều này bởi sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng có những rủi ro nhất định. Khi dịch bệnh hay giá cả thị trường biến động, người chăn nuôi mới thấy hết giá trị của việc liên kết sản xuất, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”.