Nhận thấy nhiều dưỡng chất có trong lông gà có lợi cho các loại cây trồng, anh Nguyễn Hà Thiên đã lập kế hoạch phát triển viên nén phân bón từ nguồn nguyên liệu này để cung ứng cho thị trường.
>>Quảng Nam tiếp tục là địa phương dẫn đầu khu vực về khởi nghiệp
Sở hữu cho mình một cửa hàng quần áo cùng một nhà hàng nhỏ, tuy nhiên anh Nguyễn Hà Thiên (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vẫn nung nấu trong mình nhiều hướng đi khác. Trong một lần tiếp xúc với các đầu nậu về lông gà, anh Thiên đã lên kế hoạch thu mua nguồn nguyên liệu, trở thành một đại lý khu vực để làm nhà cung ứng.
Sau khi thu mua đủ số lượng, nguồn nguyên liệu này sẽ được đầu nậu thu mua và chuyển sang Trung Quốc để làm thức ăn cho gia súc vì có nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên, sau một thời gian thì hoạt động kinh doanh gặp nhiều yếu tố bất lợi vì giá cả giảm sút. Từ đó, người thanh niên này đành dừng việc cung cấp nguyên liệu lông gà thô để tìm hướng đi mới.
Để xử lý số lượng lông gà còn lại tại cơ sở, anh Thiên bắt đầu tìm đến các hộ trồng quất Tết tại TP. Hội An để phục vụ nhu cầu bón cây. Tuy nhiên, vì là nguyên liệu chưa qua chế biến nên nặng mùi, người dân thường xuyên phản ánh nên việc cung cấp cũng gặp nhiều gián đoạn.
Sau thời gian suy nghĩ, một ý tưởng mới được hình thành là sản xuất ra một loại phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu này theo tiêu chuẩn cao hơn, hiện đại hơn. Nghĩ đến là làm, anh Thiên bắt đầu tìm hiểu công thức, nhờ thợ gia công máy móc, thiết bị để bắt tay vào sản xuất phân bón dạng viên nén.
“Nghĩ là vậy, nhưng hành trình đầu tiên nhanh chóng thất bại vì thiết bị hoạt động cho ra sản phẩm không như ý, chưa kể đến mới hoạt động một thời gian ngắn thì thiết bị gặp sự cố hư hỏng. Ý tưởng khởi nghiệp vừa hình thành thì đã thiệt hại gần 500 triệu đồng”, anh Nguyễn Hà Thiên bộc bạch.
Ngoài việc thiệt hại về kinh phí, quy trình sản xuất phân bón của cơ sở anh Thiên cũng thường bị góp ý về vấn đề gây mùi khi kỹ thuật chưa đảm bảo. Vì vậy, cơ sở sản xuất phải tạm dừng hơn 8 tháng để nghiên cứu kỹ thuật, học hỏi những người đi trước để quy trình sản xuất đảm bảo cả về chất lượng lẫn vấn đề môi trường,...
Từ những kinh nghiệm học hỏi được, anh Thiên đã biết cách ủ lông đúng cách không gây mùi, tìm được nơi chế tạo máy móc đúng tiêu chuẩn để tiếp tục hành trình khởi nghiệp. Khi nguồn vốn đã cạn, người thanh niên này đành lựa chọn “con đường nợ nần” để bước tiếp.
Với lần bắt đầu thứ 2, anh Nguyễn Hà Thiên đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở, đầu tư máy móc và nhập nguồn nguyên liệu để tiếp tục thực hiện sản phẩm đã ấp ủ. Lần này, cơ sở sản xuất được đặt tại một vị trí mới, nơi sắp được quy hoạch là cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Duy Xuyên. Từ đây, Công ty sản xuất phân bón hữu cơ lông gà Thịnh Vượng ra đời, đánh dấu một cột mốc mới cho sản phẩm khởi nghiệp của chàng trai 9X.
“Với hành trình khởi nghiệp thì giai đoạn nào cũng khó khăn, khi vừa bắt đầu thì gặp vấn đề về nguồn vốn phải vay mượn, khi ổn định vì là sản phẩm mới nên người dân còn bỡ ngỡ nên số lượng cũng hạn chế. Cùng với đó, việc tìm kiếm đối tác lớn cũng khá khó khăn khi phải đợi khách hàng trải nghiệm xong sản phẩm thì mới tiến đến việc hợp tác. Tuy nhiên, đã khởi nghiệp thì mỗi cá nhân đều phải chấp nhận sự chờ đợi để có một kết quả tích cực”, anh Thiên chia sẻ.
Theo chia sẻ của người thanh niên này, sản phẩm phân hữu cơ từ lông gà có nhiều dưỡng chất đặc biệt phù hợp với các loại cây cảnh, thực phẩm nông nghiệp sạch và không gây hại cho đất. Một mẻ phân hoàn chỉnh cần đến 50 ngày từ giai đoạn thu gom nguyên liệu, ủ men vi sinh, sấy khô, nghiền, nén,... và mọi công đoạn đều phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo khi đến tay khách hàng đảm bảo chất lượng Cùng với đó, với mức giá 12.000 đồng/1kg, giá thành của sản phẩm này hiện tại đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các loại phân công nghiệp và phân hữu cơ khác.
Được biết, hiện nay cơ sở sản xuất của anh Thiên đang có 4 nhân công trực tiếp và 1 nhân công thời vụ là người địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, cơ sở cho ra thị trường khoảng 800kg phân thành phẩm, được phân phối đến các thị trường từ Quảng Nam, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh,... Chỉ sau 3 tháng tiếp cận thị trường, ước tính, mỗi tháng sản phẩm phân bón này mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng.
Trong định hướng, người thanh niên này đang có dự tính sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, cùng với đó là phát triển thêm một sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Song song với đó, Thịnh Vượng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, gia tăng lượng sản phẩm để liên kết với nhiều đối tác mới, tìm kiếm những hợp đồng lớn để khẳng định thương hiệu. Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất của Thịnh Vượng là phát triển một sản phẩm phân hữu cơ “made in Viet Nam” có đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm phân bón nhập ngoại.
“Thịnh Vượng muốn mang đến cho người dân một sản phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe. Cùng với đó là công cuộc bảo vệ đất, tránh những sản phẩm sinh học có hại. Với định hướng đã có, đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực hơn để từng bước hoàn thiện cả về quy mô lẫn chất lượng để hành trình khởi nghiệp thực sự là một “cuộc chơi” xứng đáng”, anh Nguyễn Hà Thiên nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp Quốc gia năm 2023: Dự án Hạt nêm rau củ Long Hoa lọt Top 20 dự án xuất sắc
10:23, 08/12/2023
Phụ nữ vùng sâu, vùng xa vượt khó khởi nghiệp thông minh
09:39, 08/12/2023
Công ty khởi nghiệp Igloo sáng tạo sản phẩm để tiến vào thị trường Việt
09:47, 05/12/2023
Năm khởi nghiệp - Quảng Nam 2023: Diễn đàn Doanh nghiệp được công nhận có thành tích xuất sắc
11:49, 03/12/2023