Chúng ta bất ngờ với nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, bắt kịp xu hướng hiện đại là cơ hội cho những startup như: cho thuê trang phục, bán thực phẩm sạch…
Trong thời buổi những câu chuyện khởi nghiệp đang được mọi người bàn luận nhiều hơn với những dự án vô cùng thành công, chúng ta không khỏi bất ngờ với nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, bắt kịp xu hướng hiện đại, như: cho thuê trang phục, bán thực phẩm sạch…
Dịch vụ thuê đồ rộ lên như một xu hướng
Với phụ nữ, mua sắm và thích thời trang là một điểm chung. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện để thường xuyên mua sắm những bộ trang phục đắt tiền, hàng hiệu. Đồng thời, một bộ trang phục chỉ mặc 1-2 lần nên mua về rất lãng phí. Vì thế, nhiều người chọn cách thuê đồ hiệu để mặc thay vì mua, từ đó mở ra cơ hội kiếm tiền cho các cửa hàng cung cấp dịch vụ thuê đồ hiệu.
Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ một cửa hàng cho thuê trang phục thiết kế tại đường Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Trước đây, mình làm nghề trang điểm nên cũng rất mê thời trang, đặc biệt là đồ thiết kế, đồ hiệu… bởi đường kim, mũi chỉ tinh xảo, chất vải đẹp và đặc biệt tôn dáng. Cũng vì đam mê này nên nhiều váy áo đặt may, mua từ nước ngoài về không dùng đến, mình quyết định cho thuê".
Do mới mở nên cửa hàng của chị không có quy mô quá lớn, chỉ trên dưới trăm bộ đồ, chủ yếu là váy thiết kế và các thương hiệu được ưa chuộng như Zaza, CK, LeVis... Giá nhập khoảng 1 - 10 triệu đồng/bộ, chủ yếu mua lúc nhãn hàng đang sale (giảm giá). Giá cho thuê chỉ khoảng từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng/chiếc/lần tùy theo giá nhập và mức độ mới/cũ của trang phục.
Thông thường những bộ váy còn chưa bóc mác sẽ có giá khoảng 10% giá nhập, đồ đã qua sử dụng khoảng 5%.Khách sẽ phải đặt cọc 70% giá sản phẩm và không được chỉnh sửa đồ thuê. Mỗi lần thuê, khách có thể giữ váy từ 2-3 ngày, nếu quá ngày sẽ phụ phí mỗi ngày 30.000 - 50.000 đồng, tuỳ từng chiếc. Bởi tiền đặt cọc khá cao và yêu cầu bảo quản đồ tương đối chặt chẽ nên khách giữ gìn đồ rất cẩn thận.
Loại hình cho thuê này có khá nhiều ưu điểm. Thứ nhất, đánh trúng vào tâm lý sính hàng thiết kế, hàng hiệu của giới trẻ nhưng không phải ai cũng có điều kiện mua và tính “cả thèm chóng chán” của các bạn trẻ. Thứ hai, nó đáp ứng được nhu cầu cần trang phục ấn tượng cho những dịp đặc biệt như dự tiệc, đám cưới, các cuộc thi... Thứ ba là dù giá thuê có thể mua được một bộ đầm hàng chợ nhưng chất lượng của đồ hàng hiệu vẫn áp đảo.
"Khách hàng chắc chắn sẽ cân nhắc giữa việc mua một món đồ rẻ tiền nhưng kém chất lượng, chỉ sử dụng được vài lần với việc thuê một bộ đồ đẹp cũng từng ấy tiền với số lần mặc tương đương”, chị Huyền cho biết.
Dù mới bắt tay vào hình thức kinh doanh này chưa lâu, nhưng do bắt kịp “trend” (xu hướng) nên cửa hàng kinh doanh rất ổn. Đối tượng khách tới thuê đa phần là chị em văn phòng, một số ít là học sinh THPT, sinh viên và diễn viên. Thời điểm chị đông khách nhất là vào những dịp cuối năm, mùa cưới, noel. Mỗi ngày có khoảng chục người tới thuê đồ. Trái lại, giai đoạn đầu hè nóng nực là lúc “thấp điểm” nhất.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều khách hàng, chị Huyền còn làm thêm dịch vụ trang điểm, chụp hình và nhiều gói gộp combo khi thuê đồ giá hấp dẫn. Các bộ ảnh đều kèm theo những gói gộp để khách tiết kiệm hơn. Bởi vậy, ở đây không chỉ là cửa hàng cho thuê đồ mà còn là nơi để bạn trẻ tới làm nhiều dịch vụ khác.
Gia nhập phong trào thực phẩm sạch
Hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm sạch ngày càng tăng cao do lo ngại về thực phẩm bẩn đang tràn lan. Nắm được nhu cầu này, những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch ngày càng mọc lên như “nấm sau mưa”. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 400 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Riêng địa bàn TP Thanh Hóa có khoảng 100 cửa hàng.
Chị Phạm Thu Thủy ở phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, cho biết: “Bản thân mình cũng là một người nội trợ, hiểu được tâm lý của người tiêu dùng nên mình quyết định mở một cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch. Thực phẩm mình bán đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mình có hợp đồng với một số trang trại nuôi trồng sản phẩm hữu cơ để nhập sản phẩm. Từng bó rau, lạng thịt đều được đóng gói và dán tem kiểm định nên khách hàng rất yên tâm. Ngoài ra, mình còn nhận nấu sẵn những món ăn bằng nguyên liệu sạch cho những chị em ít có thời gian vào bếp”.
Nhờ tay nghề tốt và sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh nên cửa hàng của chị Thủy rất đông chị em nội trợ lui tới để mua hàng, tạo thu nhập ổn định.
Được biết, chị Thủy bắt đầu con đường kinh doanh thực phẩm sạch của mình bằng những mớ rau trong vườn dưới quê, con lợn mua trên bản của người thân, nhờ họ giết thịt rồi đóng thùng lạnh gửi xe khách xuống thành phố để bán tại nhà, mỗi lần 1-2 con tùy vào số lượng khách đặt hàng. Sau một thời gian, thấy phản hồi của khách rất tốt, lượng khách đặt mua ổn định và mỗi ngày một tăng lên chị mới tìm địa điểm mở rộng cửa hàng của mình.
Thực tế cho thấy đã có không ít cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tương tự phải “dừng cuộc chơi” vì sự khốc liệt của ngành này. Vì thế, người mở cửa hàng thực phẩm sạch, ngoài chuyện phải có kiến thức căn bản về thực phẩm sạch, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, còn phải tạo được uy tín khiến người mua cảm thấy yên tâm.
"Đôi khi chỉ cần một cửa hàng trong ngõ nhưng có uy tín khách vẫn cứ tấp nập vào mua và ngược lại cửa hàng ngoài phố lớn chưa chắc đã hút khách nếu như khách không tin tưởng”, chị Thủy nói.
Khi cuộc sống có những xu hướng mới sẽ tạo ra vô số cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Vì vậy các bạn trẻ nên cân nhắc thật kỹ về thị trường mà bản thân đang hướng đến và lựa chọn cho mình một xu hướng kinh doanh để đạt được kết quả tốt nhất.
https://vhds.baothanhhoa.vn/nhip-song-do-thi/khoi-nghiep-theo-trend/20389.htm