Các chuyên gia cho biết một trong những yếu tố khiến thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) “vật vã” thời gian qua, là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
>>>2023 - Năm "phá băng" thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo có chủ đề “Đi lên từ chân sóng” do FIDT và FiinTrade tổ chức ngày 16/12/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty tư vấn quản lý tài chính và gia sản (FIDT), cho rằng nếu nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam 2023, nhìn xa hơn là 2 năm vừa và thậm chí là trong lịch sử 24 năm của TTCK, có thể thấy điểm nổi bật nhất là nhà đầu tư (NĐT) nội đã “gồng gánh” rất tích cực. Trong khi đó, khối ngoại lại bán ròng.
“Trên thị trường, NĐT hay có câu nói rất nôm na là “Ra đường sợ nhất công nông, chứng khoán sợ nhất là Tây bán ròng". Nhìn trong 4 tháng gần nhất, có thể thấy thị trường đang có cú gồng quá tốt ở dòng tiền nội, nhất là trong bối cảnh chúng ta trải qua 2 năm với chính sách đảo chiều kể từ tháng 4/2022, các kênh đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, như chứng khoán sau giai đoạn thăng hoa trong Covid-19 đã liên tục trồi sụt, bất động sản gần như đóng băng và chịu áp lực thanh khoản…, và do những tác động từ bên ngoài lẫn nội tại, NĐT nước ngoài đã bán ròng rất nhiều, trong khi đó dòng tiền nội vẫn hút vào thị trường góp phần cân bằng lượng bán”, ông Tuấn phân tích.
“Như FiinTrade dùng từ là NĐT bán chủ động, tôi gọi là cực chẳng đã mà các quỹ phải bán. Hay nói cách khác là trong khi các dòng tiền ETF mô phỏng các quỹ chủ động, vào nhanh, ra nhanh, thì nhóm quỹ chủ động đã có màn trình diễn rất thấp trong thời gian dài. Trong bối cảnh này đầu tư vào TTCK Việt Nam vẫn khiến hiệu suất các quỹ âm trong khoảng 25-30%, nếu đặt vai trò cổ đông của quỹ thì chắc chắn các cổ đông sẽ hướng đến rút tiền. Tháng 12 này áp lực tất toán quỹ càng mạnh hơn nên các quỹ đang quyết định bán rất mạnh. Có thể nói là dòng tiền quý IV có sự… đan xen rất hấp dẫn với dòng tiền nội thực sự khỏe, khối ngoại nhóm quỹ chủ động bán ròng, nhóm ETF sẽ nhảy vào khi định giá hấp dẫn và bán ra khi có lãi nhỏ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
>>>Chính sách tài khóa - tiền tệ nới lỏng mạnh, hỗ trợ tăng trưởng GDP
Thống kê về dòng tiền khối ngoại, bà Đỗ Hồng Vân-Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu FiinTrade (Fiin Group) cho biết, trong năm 2023, khối NĐTNN bán ròng 20,9 nghìn tỷ với Top bán ròng gồm nhiều cổ phiếu được mua mạnh ở những năm trước (EIB, VPB, STB, MWG, VHM, VNM, DPM, KDC…).
Bà Vân cũng cho biết phân tách dòng tiền quỹ, tính từ đầu năm 2023 đến nay nhóm quỹ chủ động rút ròng mạnh, hay gọi cách khác là “bán chủ động”, còn nhóm ETF vào ròng nhẹ.
Cũng theo các chuyên gia của FiinTrade, nếu không tính 2 ngành bất động sản ngân hàng, định giá thị trường đang ở đỉnh. “Chúng ta đang cầm cổ phiếu ở đỉnh giá, nhưng định giá thể hiện kỳ vọng NĐT, không có gì phải sợ. Phân tách định giá thấp hơn trung bình 3 năm ở rất nhiều ngành. Vấn đề đặt ra tiền vẫn ở thị trường. NĐTNN bán chủ động có mục đích. Thị trường đi lên luôn có cơ hội, trong đống rơm luôn có que củi”, bà Trương Minh Trang - Giám đốc điều hành Khối dịch vụ Thông tin tài chính FiinGroup - cho biết.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích FIDT, nhiều ngành trên thị trường hiện tại đang có định giá P/B khá thấp, trong đó, có những ngành đang nằm ở vùng định giá thấp nhất trong lịch sử...
“Các ngành trên thị trường hiện tại đang có định giá P/B khá thấp và nằm ở biên dưới của vùng biến động định giá trong lịch sử từ 2016-nay. Trong đó, có những ngành đang nằm ở vùng định giá thấp nhất trong lịch sử như Bất động sản, Hóa chất và Hàng cá nhân & Gia dụng”, ông Phương đánh giá.
Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích FIDT cũng nhận định, dù còn đối mặt với nhiều rủi ro nhưng định giá đã phản ánh và sự phục hồi của năm 2024 tạo ra triển vọng mới cho thị trường.
Trong khuôn khổ hội thảo, FIDT và FiinGroup đã có ký kết hợp tác, bổ trợ cho nhau để cùng thúc đẩy các dịch vụ thông tin tài chính, phục vụ nhà đầu tư trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm