Khơi thông pháp lý cho condotel

VI ANH 22/05/2024 03:00

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, nhất là phân khúc condotel. Theo các chuyên gia, cần khơi thông pháp lý để hồi phục thị trường này.

>>Doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng sẵn sàng trở lại đường đua

Trong 3 tháng đầu năm, sức cầu condotel ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua. Ảnh:VA

Trong 3 tháng đầu năm, sức cầu condotel ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua. Ảnh:VA

“Mùa đông” kéo dài

Theo báo cáo phân tích của DKRA, trong 3 tháng đầu năm, sức cầu condotel ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua, lượng tiêu thụ chỉ bằng 35% so với cùng kỳ. Trong đó, 90% dự án không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Qua dự báo của DKRA trong quý 2/2024, sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm có thể kéo dài đến hết năm 2024 và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong ngắn hạn.

>>Bất động sản nghỉ dưỡng “khó chồng khó”

Xét về giá, mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định, khó có những biến động mạnh về giá trong quý 2/2024. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê... tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong quý tiếp theo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, "mùa đông condotel" sẽ tiếp tục kéo dài. Sức cầu chung tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, theo thông tin rao bán trên Batdongsan.com.vn cho thấy, một số nơi có tình trạng rao bán cắt lỗ loại hình condotel. Theo đó, căn condotel có diện tích 41,5 m2 tại một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đã rao bán cắt lỗ sâu chỉ từ 2,3 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, vào năm 2019, mức giá bán một sản phẩm cũng của dự án này thấp nhất lên tới 3,9 tỷ đồng. 

Pháp lý vẫn là “rào cản” lớn

Có nhiều lí do dẫn đến tình trạng này, bao gồm sức hút du lịch quốc tế tại các địa phương chưa đủ lớn, dòng khách nội địa bị ngăn cản bởi giá vé máy bay cao, hay thị trường bất động sản nói chung vẫn đang quá trình từng bước phục hồi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những vướng mắc về pháp lý vẫn là rào cản chính dẫn tới sự ảm đạm này.

Theo báo cáo thị trường bất động sản mới công bố của VARS, trong quý 1/2024, thị trường đã đón nhận 9.970 sản phẩm du lịch - nghỉ dưỡng mở bán, trong đó hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó. Cả thị trường chỉ có 5 dự án mở bán mới, cung cấp 326 sản phẩm, giảm 64% so với quý trước và giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Vướng mắc về pháp lý chính là

Vướng mắc pháp lý là "rào cản" lớn khiến bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm. Ảnh:VA

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho biết, lượng giao dịch kém do nguồn cung yếu, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm giá trị cao, phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đã cắt lỗ từ trước của các chủ đầu tư. Trong khi, niềm tin nhà đầu tư chưa được phục hồi do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, thanh khoản kém…

"Một số dự án condotel vẫn "đóng" giỏ hàng, không phát sinh giao dịch do vướng mắc pháp lý. Để "hồi sinh" loại hình condotel, Nhà nước cần sớm "lấp đầy" khoảng trống pháp lý cho người mua, quy định ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý...", ông Đính chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng: Năm 2023, cả thị trường địa ốc đều chịu chung cảnh ảm đạm, không riêng phân khúc nào. Mặc dù có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, nhưng vẫn còn nhiều dự án phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, điều chỉnh quy hoạch, hạn chế về tín dụng…

Và khung pháp lý vẫn là trở ngại lớn, ngay cả Nghị định 10 nhằm cởi trói vấn đề cấp sổ hồng từng được kỳ vọng trở thành đòn bẩy giúp bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Muốn giải phóng hàng tồn kho lớn không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian triển khai dài và có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên, từ Chính phủ, các ban ngành cho đến các chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư.

"Ngoài ra, về mặt vĩ mô Chính phủ cần có “đòn bẩy tài chính” để tạo điều kiện cho người mua nhà, như mở rộng đối tượng cho vay, hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà… Đồng thời, phía cơ quan nhà nước cũng cần giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho dự án” - ông Dũng bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng sẵn sàng trở lại đường đua

    Doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng sẵn sàng trở lại đường đua

    13:48, 19/05/2024

  • Bất động sản nghỉ dưỡng “khó chồng khó”

    Bất động sản nghỉ dưỡng “khó chồng khó”

    11:35, 17/05/2024

  • Bất động sản nghỉ dưỡng cần dấu ấn riêng

    Bất động sản nghỉ dưỡng cần dấu ấn riêng

    03:00, 08/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi thông pháp lý cho condotel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO