Không đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp Việt tự “đánh rơi”... quyền lợi

Diendandoanhnghiep.vn Là một trong những vấn đề then chốt trong hoạt động doanh nghiệp, tuy nhiên, tình trạng “thờ ơ” đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, dù trước đó đã có không ít bài học nhãn tiền…

Theo thống kê cho thấy, hiện chỉ 18% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiểu đúng về sở hữu trí tuệ và chỉ có 6% các doanh nghiệp này có bộ phận thực thi về sở hữu trí tuệ, thậm chí, nhiều doanh nghiệp chưa liệt kê được tài sản thuộc sở hữu trí tuệ… dẫn đến thực trạng không ít doanh nghiệp Việt, mặc dù xây dựng được thương hiệu của mình ở thị trường trong nước, nhưng lại “vô danh” ở thị trường quốc tế, thậm chí, còn bị doanh nghiệp nước ngoài “cướp” thương hiệu.

Thực tế, không ít bài học nhãn tiền đã hiện hữu, điển hình như trường hợp chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước; Vinataba mất thương hiệu tại nhiều lãnh thổ hay võng xếp Duy Lợi bị mất sáng chế kiểu dáng công nghiệp ở Nhật Bản…

Không chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, không ít doanh nghiệp Việt đã tự đánh mất quyền lợi trên thương trường quốc tế - Ảnh minh họa

Không chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp Việt đã tự đánh mất quyền lợi trên thị trường quốc tế - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thực trạng đã nêu, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, không nắm được tầm quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ nên việc đăng ký sở hữu trí tuệ chưa được các doanh nghiệp trong nước quan tâm và chú trọng…

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 29/12 vừa qua, ông Lê Ninh Giang – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ đánh giá: quản trị thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường lợi thế của doanh nghiệp, nâng cao uy tín và tạo ra giá trị của doanh nghiệp trên thương trường.

Thực tế, liên quan đến vấn đề đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay, chỉ có một số ít các doanh nghiệp lớn như: FPT, Viettel, Viglacera… có bộ phận đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế, còn lại đa phần chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, số đông trong đó là DNNVV. Trong khi, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới, họ đều chú trọng đầu tư cho vấn đề quản trị thương hiệu, đăng kí bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Nhiều khía cạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ đã được đưa ra tại Hội nghị về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày 29/12 vừa qua - Ảnh: THCL

Nhiều khía cạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ đã được đưa ra tại Hội nghị về xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày 29/12 vừa qua - Ảnh: THCL

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia quan ngại, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, cùng với đó là việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là vấn đề bảo vệ thương hiệu của mình cũng như nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế.

Nhận định về vấn đề này, ông Lê Huy Anh – Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, sở hữu trí tuệ có vai trò then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là bảo hộ độc quyền sáng chế, chính là cơ chế hợp pháp để tạo ra độc quyền, thông qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, theo Luật sư Lê Quang Vinh - Công ty Luật Bross và cộng sự: không chú trọng đầu tư thích đáng cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt sẽ mất cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường từ các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… Thậm chí doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro về pháp lý, thiệt hại về tài chính.

“Để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu của mình, doanh nghiệp cần chủ động rà soát và đăng ký sớm quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài, trường hợp phát hiện bị mất quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cần nhanh chóng nghiên cứu thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ...”, Luật sư Lê Quang Vinh nói.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Không đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp Việt tự “đánh rơi”... quyền lợi tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711699233 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711699233 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10