Đây là nội dung đang được lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng được nêu tại Điều 59 với các vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản.
>>Thận trọng mua chung cư không sổ hồng
Theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ 1/8) trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ ngày bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ/ sổ hồng) cho người mua nhà, trừ trường hợp người mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư vẫn "chây ì" việc nộp hồ sơ làm sổ hồng cho cư dân, gây bức xúc, căng thẳng tại nhiều dự án. Tại TP.HCM, Hà Nội, hình ảnh căng băng rôn “đòi” sổ hồng tại các chung cư không còn xa lạ. Khách hàng bức xúc vì đã bỏ tiền mua căn hộ nhưng mãi vẫn chưa nhận được sổ hồng.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trên địa bàn có hơn 20.000 hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu gắn liền với đất (sổ hồng) nhưng chủ đầu tư và người mua nhà chưa nộp.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở thương mại, UBND TP.HCM đã ban hành các văn bản về phân cấp, quy định phối hợp giải quyết hồ sơ đất đai và quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố.
Tuy nhiên, thực tế có những khó khăn, vướng mắc như: Các dự án không vướng pháp lý, chỉ chờ xác nhận nghĩa vụ tài chính; chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng; loại hình bất động sản mới.
Các dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; dự án bị thanh tra, điều tra; một số dự án có tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu; chủ đầu tư vi phạm xây dựng; các dự án có vướng mắc về nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Hay thậm chí việc lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều vướng mắc như khó xác định thời điểm bàn giao nhà hay số lượng căn nhà trong một dự án quá lớn dẫn đến khó khăn khi xác định hành vi vi phạm.
Trong khi đó, tại Hà Nội, báo cáo của Bộ Xây dựng, cho thấy trong tổng số 108 dự án có tranh chấp trên địa bàn có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan tới việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân.
>>TP.HCM: Vì sao 2.700 căn nhà ở xã hội chưa được cấp sổ hồng?
Chia sẻ với DĐDN, một số chủ đầu tư cho hay hầu hết các chung cư đang mắc phải là những vi phạm về xây dựng, thiết kế khiến công trình khó được nghiệm thu từ đó dẫn tới việc chậm làm sổ hồng cho cư dân. Do đó, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở các dự án chung cư là việc cần làm đầu tiên, kế đến tăng mức xử phạt chậm làm sổ hồng đủ sức răn đe. Công khai, minh bạch thông tin xử lý vi phạm của chủ đầu tư để người dân giám sát.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội, việc chủ đầu tư không làm giấy hồng cho dân theo đúng cam kết là vi phạm hợp đồng. Về mức xử phạt khoảng 600 triệu đồng đối với chủ đầu tư chậm làm giấy hồng cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cư dân thì không đủ sức răn đe, bởi chỉ bằng 10m2 chung cư.
Vị chuyên gia đề xuất, nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần thì cần áp dụng biện pháp dừng không cho triển khai các dự án mới trong 2 - 3 năm hoặc cho đến khi khắc phục xong vi phạm dự án cũ.
Còn theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Đoàn luật sư TP Hà Nội, người mua nhà có thể kiện chủ đầu tư yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng mua bán nhà. Điều quan trọng là trong hợp đồng mua bán phải có những cam kết rõ ràng về nghĩa vụ, thời hạn thực hiện và mức phạt vi phạm.
Toàn bộ cư dân cùng kiện thì mức phạt bồi thường sẽ lớn hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác của chủ đầu tư nên tiên lượng mức thiệt hại lớn hơn về mọi mặt. Đây mới là chế tài đủ răn đe các chủ đầu tư cố tình "treo" giấy hồng của người mua nhà.
Có thể bạn quan tâm