Không để người dân mua nhà bằng "niềm tin"

DIỆU HOA 30/08/2023 02:00

Các Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng cần thêm các quy định bảo vệ quyền lợi người mua trong kinh doanh bất động sản.

>>Quyết tâm “giữ” thị trường bất động sản

Chia sẻ tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) diễn ra mới đây, vấn đề về đảm bảo quyền lợi người mua nhà tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

Cần có các quy định để bảo vệ quyền lợi người mua bất động sản

Mua bất động sản bằng "niềm tin" và hệ lụy

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) dự thảo luật quy định hợp đồng mua bán bất động sản giữa người dân và doanh nghiệp mà không yêu cầu công chứng là “chưa hợp lý”.

Ông Hoàn cho rằng quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản cần phải được quản lý chặt chẽ. “Khi niềm tin được bảo đảm sẽ thúc đẩy mua bán, đầu tư vào tài sản và sự phát triển minh bạch của thị trường bất động sản". Còn theo cơ chế mua bán bất động sản “hoàn toàn riêng tư”, không có tổ chức trung gian kiểm soát như tổ chức công chứng sẽ có nhiều bất cập.

Vị đại biểu cho biết, hàng nghìn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra. Tranh chấp về các giao dịch gian lận này thực sự tốn thời gian, tiền bạc, và có thể dẫn đến người mua không được hoàn trả số tiền đã thanh toán, làm nhiều người phải gánh khoản nợ không nhỏ, dẫn đến sự suy sụp của nhiều gia đình.

Thực tế hầu hết cá nhân tham gia giao dịch mua nhà ở không thường xuyên. Do vậy, sự hiểu biết của người dân về cách thực hiện giao dịch thường bị hạn chế.

“Chúng ta không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, cần một chuyên gia là công chứng viên - bên thứ ba tham gia kiểm soát hoạt động này, trên cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ quy định pháp luật”, ông Hoàn nhấn mạnh.

Cũng tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Đại biểu Trí cho rằng, chưa thể yên tâm với tình thế hiện tại, khi bất động sản có giá trị kinh tế lớn, chúng ta có một thời gian dài mua bán bất động sản một cách thuận tiện, dễ dàng, nhưng cũng rất lộn xộn, và khi có sự cố xảy ra thì người dân, nhà nước dễ chịu thiệt thòi.

"Kinh doanh bất động sản đã trở thành một nghề dễ làm, dễ phất lên, với những mánh lới luồn lách", ông Trí nói.

>>Doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng đột biến

Cần bảo vệ quyền lợi người mua

Trên thực tế, những năm qua, tình trạng tăng giá đất đã nhanh chóng tác động tới nhu cầu thực của người dân. Trong khi nhà đầu tư mua đất đầu cơ bỏ hoang thì người có nhu cầu thực không thể mua được nhà, an cư. 

Cần minh bạch hóa thị trường bất động sản

Một thị trường được đánh giá là có mức tăng không tương thích với mức độ tăng đầu tư. Tức là giá trị bất động sản sẽ tỷ lệ thuận với việc đầu tư nhưng trong trường hợp đầu tư 1 mà giá tăng 3 - 4 lần, thậm chí tăng nhiều hơn, bất hợp lý.

Đáng chú ý, trong thời điểm này, giao dịch kiểu "lướt sóng", cọc và bán ngay, bán bất động sản bằng giấy viết tay... cũng trở nên phổ biến. Tại TP HCM, nhiều quận đã từng phải liên tục phát đi cảnh báo để người dân cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán, chuyển nhượng nhà, đất thông qua hình thức lập vi bằng trên địa bàn.

Theo các chuyên gia, để giải quyết các vấn đề trên, cần minh bạch hóa thị trường bất động sản. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ, cụ thể hơn để người có nhu cầu mua biết, ví dụ công khai thông tin tại trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng; hoặc trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng các tỉnh thành phố giúp công dân dễ dàng tìm kiếm hơn so với các quy định hiện nay.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng, cơ sở dữ liệu về nhà ở và dự án bất động sản rất quan trọng vì vậy trong dự thảo cũng cần xác định trách nhiệm của các địa phương, cũng như việc bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

"Cần xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác phối hợp để công khai thông tin dự án trước khi ký hợp đồng đặt cọc; trách nhiệm chia sẻ thông tin và và dễ dàng truy cập, tra cứu thông tin để người dân tìm hiểu", đại biểu đoàn TP HCM đề xuất.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng việc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản là cần thiết, để đảm bảo chính thức, nghiêm túc, tin cậy và tuân thủ pháp luật. Đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có những quy định hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Quyết tâm “giữ” thị trường bất động sản

    Quyết tâm “giữ” thị trường bất động sản

    18:10, 29/08/2023

  • Mua bán bất động sản hình thành trong tương lai: Cần quy định rõ tiền đặt cọc

    Mua bán bất động sản hình thành trong tương lai: Cần quy định rõ tiền đặt cọc

    13:41, 29/08/2023

  • Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 6: Công ty Nhật Nam và “cú lừa” phút chót

    Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 6: Công ty Nhật Nam và “cú lừa” phút chót

    03:10, 29/08/2023

  • Doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng đột biến

    Doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng đột biến

    03:00, 29/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không để người dân mua nhà bằng "niềm tin"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO