Chiến sự Nga- Ukraine vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ác liệt ở vùng Donbass. Nhiều nhà phân tích dự đoán, chiến sự này chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngắn hạn.
>>EU cấm vận dầu mỏ, Nga sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine?
Ông Serhiy Haidai - người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Donbass cho biết lực lượng Nga đã tiếp cận được trung tâm thành phố Severodonetsk từ ba hướng. Bên cạnh đó, ông Haidai cho biết Nga đã kiểm soát khoảng 70% thành phố Severodonetsk.
“Một số quân Ukraine đã rút lui tới các vị trí có lợi hơn và được chuẩn bị từ trước”, ông Haidai viết trên Telegram và cho biết thêm, trong những ngày gần đây, thành phố Severodonetsk là tâm điểm trong cuộc tấn công của Nga nhằm giành quyền kiểm soát vùng Donbass, bao gồm Luhansk và Donetsk.
Các nhà phân tích đánh giá việc Nga nỗ lực tập trung vào Severodonetsk, khiến lực lượng này dễ bị quân Ukraine phản công ở những nơi khác, bao gồm cả thành phố cảng Kherson quan trọng về mặt chiến lược trên biển Đen.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thương vong nghiêm trọng và hao tổn khí tài quân sự đang làm xói mòn năng lực chiến đấu của cả Nga lẫn Ukraine. Dường như không bên nào có khả năng giành được một chiến thắng quyết định bằng cách sử dụng các phương tiện chiến đấu thông thường.
Trong khi đó, triển vọng về việc đạt được một thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán rất mong manh khi cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng nhượng bộ. Cả hai bên vẫn đang đổ lỗi cho nhau sau khi các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ từ cuối tháng 3 đến nay. Nga hồi đầu tháng trước nói rằng Ukraine không sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình, trong khi các quan chức Ukraine cáo buộc Nga là bên khiến đàm phán không đạt được tiến bộ.
Vẫn chưa rõ những điều kiện để Nga xác định về một chiến thắng trên chiến trường, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu chiến tranh của Ukraine đã thay đổi.
>>Severodonetsk sắp thất thủ, Nga sớm kiểm soát Donbass?
Mặc dù bị tấn công mạnh mẽ ở khu vực phía Đông nhưng nhờ sự hỗ trợ của phương Tây, Kiev đang có kế hoạch giành lại hoàn toàn những vùng lãnh thổ mà họ đã để mất. Hiện giờ, Kiev đang muốn giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, thậm chí cả Crimea và đẩy lùi Nga ra khỏi tất cả các khu vực biên giới.
Ông Alper Coskun, thành viên cấp cao Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie đánh giá, một trong những cơ sở để Ukraine thực hiện tham vọng là nhờ số lượng vũ khí đã được Mỹ và các đồng minh trong khối NATO cung cấp. Hiện nay, chính phủ Ukraine đang yêu cầu thêm hệ thống tên lửa tầm xa để nhắm vào tuyến đường tiếp tế của Nga cũng như nhiều loại đạn pháo chính xác để chống lại ưu thế của Nga trên chiến trường.
"Chính quyền Biden đã từ chối yêu cầu này do lo ngại xung đột Nga- Ukraine leo thang, trong khi tình hình chiến sự thay đổi từng ngày. Nếu Moscow tận dụng tình hình này để tấn công vào Donbass, rất có thể Ukraine sẽ rơi vào tình thế bất lợi", ông Alper Coskun phân tích.
Nga đã cảnh báo rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cung cấp các hệ thống tên lửa tiên tiến cho Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Moscow và Washington. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết: “Bất kỳ hoạt động viện trợ vũ khí nào cho Ukraine đều làm tăng căng thẳng giữa 2 bên”.
Trên thực tế, cả Nga và Mỹ đều tránh đụng độ trực tiếp. Do đó, rất ít khả năng Mỹ và các đồng minh sẽ viện trợ loạt vũ khí hiện đại cho Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc, quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn nếu Nga dồn tổng lực cho trận chiến này trong thời gian tới. Theo đó, vùng Donbass có nguy cơ thất thủ trong thời gian ngắn. Nhiều chuyên gia cho rằng sau khi kiểm soát Donbass, Nga sẽ tạo bàn đạp chiếm các vùng lân cận.
Có thể thấy rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không có sự nhượng bộ, xung đột có thể sẽ kéo dài, với tác động lan rộng cả khu vực và trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm