Không chỉ khắc phục được những bất cập về môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mô hình KCN sinh thái đang trở thành xu hướng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững.
>>>Hải Phòng: Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp sinh thái
Mới đây, tại Hội nghị khoa học sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, công trình Mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam được triển khai bởi Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) đã được Liên đoàn Liên minh WIPO châu Á - Thái Bình Dương đại diện là Quỹ sáng tạo Ả Rập - Xê Út trao giải đặc biệt sáng tạo cho ông Phạm Hồng Điệp chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. T.S, Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp cũng đã được ban tổ chức hội đồng khoa học Hàn Quốc trao giải bạc cho công trình này. Đây được coi là thành tựu trí tuệ của Việt Nam với khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Diễn đàn Doanh nghiệp có dịp trao đổi với T.S, Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, để tìm hiểu rõ hơn về mô hình này.
- Chào ông, chúc mừng ông với những thành công mới.Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái?
Công trình “Nghiên cứu kiến tạo Nam Cầu Kiền trở thành Khu công nghiệp sinh thái với mô hình Kinh tế tuần hoàn” đạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam VIFOTEC 2021 và đến nay tiếp tục nhận được những giải thưởng quốc tế. Chỉ trong thời gian chưa đầy 2 năm, chúng tôi đã kiến tạo thành công Khu công nghiệp (KCN) sinh thái với mô hình Kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng tái tạo đạt hiệu quả cao. Công trình này đã kết hợp được lý thuyết và thực tiễn vào mô hình hoạt động.
Với mô hình Kinh tế tuần hoàn, Nam Cầu Kiền là KCN đầu tiên tạo ra chuỗi cộng sinh, liên kết và cung ứng tuần hoàn trong KCN, đảm bảo giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì và giảm thiểu chất thải ra môi trường.
Ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động (năm 2008), Nam Cầu Kiền đã được định hướng trở thành khu công nghiệp đa ngành với diện tích phủ xanh lớn và hệ thống hạ tầng phụ trợ xử lý phát thải. Các doanh nghiệp trong KCN có thể tận dụng phụ phẩm, phế thải của nhau làm đầu vào cho sản xuất. Khi Nghị định 82 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được ban hành với khái niệm khu công nghiệp sinh thái ra đời, Nam Cầu Kiền phát triển theo hướng khu công nghiệp sinh thái và đến nay đã hoàn thành đủ 8 tiêu chí.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội.
>>>Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần các tiêu chí rõ ràng
- Là một chủ đầu tư tiên phong trong việc xây dựng mô hình KCN sinh thái, chắc hẳn ông và các cộng sự đã gặp không ít khó khăn, trắc trở?
Để chuyển đổi từ KCN tổng hợp sang KCN sinh thái, ban đầu tôi gặp khá nhiều khó khăn từ hệ thống pháp lý còn nhiều bất cập, chưa có quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện đến việc kêu gọi đầu tư và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp sinh thái. Việc thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư thứ cấp về hành vi trong sản xuất kinh doanh đến xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến bằng công nghệ thông tin mất khá nhiều thời gian và công sức tuyên truyền. Đến nay, chúng tôi đã thành công trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền xây dựng hệ tiêu chuẩn sinh thái NCK ECO IP của KCN. Hệ tiêu chuẩn sinh thái Eco đưa ra những chính sách, quy chế cụ thể hướng dẫn doanh nghiệp định hướng triển khai thành công mô hình KCN sinh thái - Kinh tế tuần hoàn, tiêu chuẩn xả thải đảm bảo các quy định chung và phù hợp thực tế. Đồng thời, chúng tôi đã tiên phong, tập trung mọi nguồn lực xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời dùng cho cả khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Các công trình an sinh xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp là KCN được nghiên cứu quy hoạch hợp lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. Nam Cầu Kiền đã “biến” những không gian hạ tầng kỹ thuật như không gian dưới đường điện cao áp, khu vực Nhà máy xử lý nước thải…thành Vườn Hạnh Phúc, Khuôn viên Vườn Nhật KYOUSEI-NO-NIWA…đầy ấn tượng, thu hút du khách tham quan.
>>>Cộng sinh trong khu công nghiệp sinh thái
- Giá trị mà mô hình này mang lại cho doanh nghiệp và cộng đồng là gì, thưa ông?
Nam Cầu Kiền thu hút nhiều nhà đầu tư tới từ các quốc gia khác nhau với văn hoá và tư duy kinh doanh khác biệt nhưng lại tạo thành cộng đồng doanh nghiệp tuần hoàn với 3 mô hình cộng sinh công nghiệp đem lại giá trị gia tăng cho chính doanh nghiệp.
Với mô hình cộng sinh công nghiệp theo hướng tuần hoàn, doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã tạo ra nguồn doanh thu từ chính những phế phẩm, phế thải của mình. Thay vì tốn tiền xử lý rác thải phát sinh, nhiều nhà máy trong KCN đã thu lợi nhuận từ việc bán chính những loại rác thải của mình làm đầu vào sản xuất nguyên vật liệu thứ cấp cho đơn vị khác. Tôi lấy ví dụ, xỉ thép phế phẩm của doanh nghiệp sản xuất thép có thể trở thành nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất thép nhiễm từ, nghiền ra để lấy quặng sắt hay tách các kim loại tạp chất như đồng, chì, nhôm, kẽm. Hoặc khói bụi trong quá trình sản xuất thép sẽ được bán lại cho đơn vị chuyên thu hồi, xử lý khói bụi thải để lọc ra các chất vi lượng. “Đầu ra” sản phẩm của mình lại chính là “đầu vào” của doanh nghiệp khác là một trong những nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn để cùng tạo ra lợi ích và hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Mô hình đã và đang được triển khai rộng rãi tới mọi doanh nghiệp trong KCN; tạo chuỗi cung ứng sản xuất và cộng sinh tuần hoàn; sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời và tiến tới việc tạo ra nhiều sản phẩm từ nguyên liệu sinh học.
- Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong thời gian tới?
Kinh tế tuần hoàn chính là xu hướng tất yếu trong tương lai để phát triển bền vững. Phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Việt Nam có 403 khu công nghiệp đang hoạt động. Dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Nếu thành công, Việt Nam sẽ huy động được các nguồn lực lớn cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Để phát triển mô hình KCN sinh thái cần có sự đổi mới về cơ chế, chính sách sao cho phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được cơ hội thu hút đầu tư và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, Việt Nam cần phải xử lý tốt các vấn đề như xử lý rác thải, môi trường trong KCN, KKT; chính sách ưu đãi thuế; vấn đề sử dụng đất đai; nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ…
Có thể bạn quan tâm