Boeing khủng hoảng, nguồn cung máy bay thiếu, các hãng bay thế giới kêu gọi phi công nghỉ không lương. Các hãng bay Việt Nam chật vật tìm cách thuê máy bay.
>>Airbus, với vấn đề của riêng họ, liệu có thể vượt qua Boeing?
Hãng hàng không lớn bậc nhất thế giới, United Airlines, đang kêu gọi phi công nghỉ không lương trong tháng Năm hoặc thậm chí đến hết mùa Hè vì thiếu máy bay.
Động thái này của United là một ví dụ cho thấy những sự cố liên quan đến máy bay Boeing có tầm ảnh hưởng sâu rộng như thế nào đến kế hoạch tăng trưởng của các hãng bay.
Khi đại dịch COVID-19 kết thúc và nhu cầu đi lại tăng cao, các hãng hàng không, trong đó có United Airlines, đã nhanh chóng tuyển thêm nhiều phi công. Thế nhưng điều này lại dẫn đến tình trạng thiếu máy bay, thừa phi công như hiện nay.
Trong một ghi chú gửi đến các thành viên ngày 29/3/2024, chi nhánh United của Hiệp hội Phi công Hàng không (một công đoàn dành cho các phi công) cho biết vì Boeing chậm giao máy bay mới, số giờ bay dự kiến của United Airlines trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ giảm đi đáng kể. Mặc dù vấn đề giao hàng chỉ xoay quanh các đội bay 787 và 737, thế nhưng ảnh hưởng thì lại bao trùm cả đội bay khác.
Bản thân hãng United Airlines cũng lên tiếng xác nhận rằng họ đã đề nghị phi công tự nguyện nghỉ không lương. Hồi tháng trước, United cũng thông báo sẽ tạm dừng tuyển phi công trong đầu năm nay. Trong khi đó, công đoàn phi công ước tính thời gian nghỉ mà United đề nghị có thể kéo dài hết mùa hè, thậm chí sang mùa thu.
Trước đó, United đã ký hợp đồng nhận 43 chiếc Boeing 737 Max 8 và 34 chiếc Max 9 trong năm 2024. Thế nhưng tính đến tháng 2, họ mới chỉ nhận được 37 chiếc Max 8 và 19 Max 9. Các thông tin cho thấy Boeing cũng sẽ bàn giao 80 chiếc Max 10s trong năm nay và 71 chiếc trong năm tới. Tuy nhiên mẫu máy bay này chưa được Cục Hàng không Liên bang phê duyệt. Vì vậy United đã loại chúng ra khỏi lịch mua bán vì “không thể dự báo chính xác thời gian giao hàng dự kiến”.
Ông Scott Kirby, CEO United, là một trong những người lên tiếng nhiều nhất về các sự cố và những đợt chậm trễ giao máy bay của Boeing. Những nhà lãnh đạo của các hãng hàng không khác cũng bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch giao hàng chậm trễ của Boeing.
Hồi tháng trước, Southwest Airlines cho biết họ đang phải đánh giá lại dự báo tài chính năm 2024, với lý do số lượng máy bay Boeing bàn giao bị giảm đi và họ phải ngừng tuyển dụng phi công và phi hành đoàn. Trong khi đó, Alaska Airlines bày tỏ rằng công suất năm 2024 sẽ không ổn định vì kế hoạch bàn giao máy bay không cố định.
Phía Boeing từ chối bình luận về việc này. Động thái rõ rệt gần đây nhất của Boeing là một loạt các lãnh đạo cấp cao phải rời ghế, bao gồm CEO Dave Calhoun, Chủ tịch HĐQT Larry Kellner và Chủ tịch bộ phận máy bay thương mại Stan Deal.
Tình trạng các hãng hàng không khủng hoảng vì thiếu máy bay không chỉ diễn ra trên thế giới, mà ở Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu rõ rệt.
Ảnh hưởng rõ ràng nhất là giá vé máy bay tăng cao. Nguyên nhân được cho là vì tình trạng thiếu hụt máy bay đang diễn ra trên diện rộng, khiến tiền thuê máy bay tăng cao. Trước Tết, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ, nhưng đến nay đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ.
Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng thiếu máy bay diễn ra vì 3 nguyên nhân.
Đầu tiên là có đến 42 máy bay của 2 hãng hàng không lớn là Vietjet Air và Vietnam Airlines nằm trong diện triệu hồi để bảo dưỡng hoặc thay thế. Thời gian dự kiến kéo dài hết năm 2026, thậm chí sang 2027.
Thứ hai là các hãng hàng không thua lỗ và phải tái cơ cấu nợ, các chủ nợ rút lại máy bay và cho thuê với giá cao hơn. Chẳng hạn Pacific Airlines không còn chiếc nào, còn Bamboo Airways cũng chỉ ngấp nghé 5 chiếc.
Thứ ba là các máy bay đang phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp Tết 2024.
Dù vì bất kỳ nguyên nhân gì, việc thiếu hụt máy bay đang thực sự gây nên cuộc khủng hoảng của ngành hàng không toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Không chỉ các hãng bay bị ảnh hưởng tăng trưởng, mà hành khách cũng sẽ là người bị ảnh hưởng trực tiếp với giá vé máy bay ngày càng tăng.
Có thể bạn quan tâm