Bình luận

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi: Miễn thuế 2 năm có phải “cú hích”?

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 24/08/2024 04:30

Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi về thuế, thế nhưng, liệu đây có phải “cú hích”?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh và đây là khu vực kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Đây cũng là khu vực tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội.

khuyen-khich-ho-kinh-doanh-chuyen-doi-24.1.1.jpg
Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh - Ảnh minh họa

Để đạt được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, thì việc thúc đẩy các hộ kinh doanh lớn mạnh, chuyển đổi thành doanh nghiệp được cho là yếu tố quan trọng. Bởi, với số lượng 5,5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, đây là lực lượng lớn bổ sung cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của cả nước.

Tuy nhiên, dù có số lượng lớn, song trên thực tế phần lớn các hộ kinh doanh đều không mặn mà, thậm chí ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Để khuyến khích hộ kinh doanh lớn dần, tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Theo đó, dự kiến sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với các doanh nghiệp nêu trên - Mức này tương đương với mức miễn thuế đối với dự án đầu tư mới thuộc một số ngành, nghề ưu đãi hoặc tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

khuyen-khich-ho-kinh-doanh-chuyen-doi-24.1.2.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất miễn thuế 2 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp chưa phải "cú hích" - Ảnh minh họa

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, để phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó có nội dung: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác, hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh...”.

Bên cạnh đó, tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có quy định về nguyên tắc xem xét áp dụng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đánh giá cao về đề xuất đã nêu của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc hộ kinh doanh ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, việc ưu đãi thuế chỉ là một trong những động lực thúc đẩy chứ chưa phải là “cú hích”.

Nhìn nhận về đề xuất đã nêu, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho hay, mục tiêu đề ra 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 nhưng đến nay chúng ta mới chỉ đạt được 800.000 doanh nghiệp. Do đó cần phải thêm ưu đãi để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, tuy nhiên, chính sách này chưa “đủ đô” vì hiện hộ kinh doanh áp dụng chế độ kế toán đơn giản, không sổ sách, hóa đơn chứng từ, áp dụng thuế khoán.

“Họ chỉ chuyển đổi lên doanh nghiệp trong trường hợp muốn tăng quy mô hoạt động kinh doanh, thương hiệu, sản phẩm nhưng cũng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những năm đầu hoạt động, chi phí đầu tư cao, kê khai thuế thường lỗ hoặc số thuế đóng ở mức thấp.

Do đó việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp này không có ý nghĩa trong quyết định chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Ngoài ra, về thủ tục thuế, hộ kinh doanh đóng thuế 3 tháng/lần, không phải thực hiện quyết toán thuế năm, không lo thanh kiểm tra thuế những năm sau đó như doanh nghiệp.

Đồng thời, hộ kinh doanh không ký hợp đồng với người lao động, không đóng bảo hiểm xã hội… đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp bị chậm”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Vị chuyên gia này cho rằng, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, chính sách, thủ tục về kế toán cần làm sao đơn giản hết sức có thể, cho kê khai thuế theo quý, trong 3 năm đầu nếu thanh kiểm tra phát hiện sai sót thì chỉ phạt hành chính.

“Khi áp dụng quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cũng cần xem chính sách miễn thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp hay không, tránh bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh”, vị chuyên gia này lưu ý.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta đang đi giải quyết phần ngọn mà không triệt để phần gốc, đồng thời không kỳ vọng đề xuất trên sẽ tạo cú hích để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Hết 2 năm hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp chắc chắn sẽ quay lại hộ kinh doanh nếu không thay đổi phần gốc”, bà Thảo nhận định.

Theo bà Thảo, phần gốc ở đây chính là giải pháp quản lý doanh thu của hộ kinh doanh, từ đó mới đưa ra mức thuế khoán đúng, đủ.

“Có như vậy, hộ kinh doanh mới có động lực để so sánh với cái lợi khi lên doanh nghiệp”, bà Thảo chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi: Miễn thuế 2 năm có phải “cú hích”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO