Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán...
Theo văn bản này, để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững theo đúng chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN. Mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Đồng thời, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.
Bên cạnh đó, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Cùng với đó, kiểm soát chặc chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro và phù hợp với các quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và các quy định phát luật khác có liên quan.
Chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) cho thấy năm 2017, tín dụng tăng khoảng 18,7% -19,3% đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế. Tín dụng trung và dài hạn chiếm khoảng 53,7% tổng tín dụng. Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được chú trọng, đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, trong năm qua, tín dụng đã tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh, tỷ trọng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản và xây dựng giảm nhẹ, chỉ tăng 12,2% so với năm 2016 (năm 2016 tăng 17,1% so với năm 2015). Tín dụng theo ngành nghề tập trung cao vào ngành công nghiệp, thương mại và hoạt động dịch vụ khác tăng 21,8% so với năm 2016, chiếm 78,4% tổng tín dụng (năm 2016 chiếm 77,8%), giúp tăng trưởng của khu vực công nghiệp, chế biến, chế tạo và dịch vụ liên tục cải thiện.
Tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm khoảng 8,11% tổng tín dụng), góp phần vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh với mức tăng khoảng 65% (năm 2016 tăng 50,2%). Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro đã được kiểm soát rất chặt theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN.
Điều hành tín dụng của NHNN đã được thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng đã rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động ngân hàng.