Tỉnh từng bước chuyển đổi loại hình chế biến thủy sản từ nguồn nguyên liệu đánh bắt (đang trong tình trạng suy giảm) sang nuôi trồng để ổn định sản xuất và phát triển bền vững.
Tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, đồng bộ cơ sở hạ tầng, Cải cách hành chính xúc tiến đầu tư, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ là 5 nhiệm vụ trọng tâm được Kiên Giang tập trung năm 2021 và những năm tới nhằm phát triển công nghiệp theo hướng bền vững…
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, dự kiến quý IV, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 14.236,47 tỷ đồng, tăng 1,89% so với cùng kỳ, đạt 87,10% kế hoạch.
Để phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững và đảm bảo mục tiêu Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 8%/năm, ông Hoàng cho hay, Sở đã tham mưu tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung quy mô lớn, đáp ứng với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu…
Thứ hai, từng bước tái cơ cấu lại ngành công nghiệp: xây dựng và hoàn chỉnh phương án phát triển công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, các nhóm ngành hàng mang lại giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành công nghiệp từ phát triển theo chiều rộng (số lượng) sang phát triển theo chiều sâu nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là đối với nguồn tài nguyên không tái tạo. Trong đó, tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị;
Thứ ba, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển nước sâu để kết nối, thông thương hàng hóa, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Huy động tối đa các nguồn vốn, nhất là vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN theo quy hoạch.
Thứ tư, đẩy mạnh CCHC, xúc tiến đầu tư: tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng; đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý của chính quyền các cấp; nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đặc thù của tỉnh để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ: đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp, nhất là các nhóm ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thuỷ hải sản; nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, các trường trên địa bàn tỉnh, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp của lực lượng lao động; khuyến khích đầu tư ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong các ngành công nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực.
Vần đề cải thiện môi trường đầu tư là vấn đề then chốt, quyết định đến sự phát triển và tăng trưởng của ngành công nghiệp. Trong thời gian qua, Sở đã triển khai thực hiện tốt các TTHC thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý. Trong đó, thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đúng hẹn, trước hẹn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp chặt với các địa phương hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư; thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và báo cáo kịp thời tháo gỡ những khó khăn kiến nghị của các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh triển khai thực hiện chính quyền điện tử và xây dựng hệ thống một cửa điện tử hiện đại, đồng bộ. Sở sẽ thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang làm cơ quan đầu mối tiếp nhận, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp và triển khai thực hiện các chương trình, cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư và tổ chức các Chương trình xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo từng giai đoạn.
Sở đã xây dựng Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm để phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và các văn bản quy định thuộc lĩnh vực ngành. Cùng với đó, Sỡ đã thực hiện tốt công tác kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa cơ sở, gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân. Hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và tăng cường công tác giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp tham dự sự kiện, diễn đàn trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.