UBND tỉnh Kiên Giang đang tập trung đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành, phê duyệt dự án và tổ chức triển khai ngay các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
>>Kiên Giang khánh thành Trung tâm đào tạo và sát hách hạch lái xe 180 tỷ đồng
Theo Báo cáo đến hết tháng 7/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang đạt gần 1.995 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch năm. Theo đó UBND tỉnh Kiên Giang đang tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, hiệu quả, nỗ lực “chạy nước rút” để đạt kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, ông Huỳnh Xuân Vũ cho biết, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp do một số cơ quan, đơn vị chưa giải ngân theo kế hoạch đề ra, chưa triển khai và hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công đối với các công trình triển khai mới năm 2022, nhất là những dự án lớn và trọng điểm. Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị chậm hoặc chưa xây dựng kế hoạch triển khai cho từng dự án cụ thể để có giải pháp chỉ đạo, điều hành cho phù hợp theo kế hoạch dự án.
“Việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, còn chậm, quy trình thủ tục còn kéo dài, khiếu nại, khiếu kiện trong lập phương án bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng tiến độ của nhiều công trình, nhất là đối với lĩnh vực giao thông. Mặt khác, giá vật tư xây dựng từ đầu năm đến nay tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó giá nhiên liệu tăng so với thời điểm ban hành đơn giá từ 22 – 29%; giá cước vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay đã tăng so với thời điểm ban hành từ 24 – 27%... Từ đó, tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công”, ông Vũ chia sẻ.
Ngoài ra, việc chuẩn bị đầu tư ở một số cơ quan còn chậm, một số đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án năng lực hạn chế, khi lập dự án khái toán tổng mức đầu tư thấp, đến khi thực hiện một số dự án tăng tổng mức đầu tư quá cao dẫn đến công trình không thể triển khai tiếp, chờ xin chủ trương điều chỉnh dự án. Riêng các dự án thành phần sử dụng vốn ODA thực hiện tại địa phương phải phụ thuộc vào quy trình phê duyệt của Ban Quản lý dự án Trung ương, một số dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, công tác đấu thầu, ban hành sổ tay hướng dẫn… nên triển khai chậm.
Kiên Giang gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân và chất lượng công trình
Theo Báo cáo, UBND tỉnh Kiên Giang đang tập trung đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành, phê duyệt dự án và tổ chức triển khai ngay các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư dự án Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế… tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; chủ trì, phối hợp với các Ban quản lý dự án chuyên ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án theo kế hoạch như: Cảng hành khách Rạch Giá; nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu, xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam – Bắc đảo Phú Quốc; đường ven biển Rạch Giá – Hòn Đất; đường 3/2 nối dài (đoạn ven biển qua địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành); đường ven sông Cái Lớn đi qua địa bàn các huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao; các dự án chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển; Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh…
Trong tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã đề nghị các sở ngành kiểm soát chặt chẽ không để vượt tổng vốn đầu tư, rà soát tiến độ thực hiện các dự án để đề nghị điều chuyển, cắt giảm, bổ sung vốn cho phù hợp với tiến độ, đặc thù của dự án. Theo đó UBND tỉnh cũng sẽ rà soát, kiên quyết cắt giảm các dự án nhỏ lẻ, không hiệu quả, chậm thủ tục đầu tư; điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và từ các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư sang các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư đúng theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, vừa qua UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các sở, ban, ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế về đầu tư công, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo đó phấn đấu đạt trên 90% kế hoạch giải ngân năm 2022.
“Người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn; xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, công trình để phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân và chất lượng công trình”, ông Nhàn chia sẻ.
Vừa qua UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đảo, kiểm tra, rà soát từng dự án, kiểm soát chặt chẽ quy trình lập hồ sơ, thủ tục và sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu tư của từng dự án. Các huyện, thành phố triển khai hoàn thành phương án giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, nhất là những công trình trọng điểm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai nhanh dự án đảm bảo tiến độ và đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Có thể bạn quan tâm