Để triển khai dự án đúng kế hoạch đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, VARSI kiến nghị bổ sung luồng xanh cho công tác vận chuyển vật tư vật liệu cho các dự án đang triển khai thi công...
Theo đó, trong nội dung kiến nghị gửi đến Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, nhằm duy trì và phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước đảm đương nhiệm vụ hoàn thành 5000 km cao tốc “theo đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn tới và để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh.
VARSI đề nghị, được phân bổ nguồn vắc-xin cho người lao động khối doanh nghiệp dự án, cán bộ, công nhân viên đang thi công, quản lý, vận hành các công trình giao thông cần được tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19, đồng thời, cho phép các công trường dự án thi công tại chỗ, các phương tiện vận chuyển cán bộ công nhân viên, thiết bị, vật liệu xây dựng được phép di chuyển với điều kiện tuân thủ các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế về phương án phòng chống dịch để đảm bảo mục tiêu kép.
Cũng theo VARSI, hiện nay, các dự án đang thi công triển khai, gặp khó trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp dẫn đến phá sản và ngừng hoạt động.
“Vì vậy, cần bổ sung luồng xanh cho công tác vận chuyển hàng hoá, vật tư vật liệu cho các dự án đang triển khai thi công nhằm đáp ứng nhu cầu vật tư vật liệu đảm bảo việc triển khai dự án đúng kế hoạch đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam hiện đang triển khai thi công”, VARSI kiến nghị
Cũng trong các kiến nghị gửi đến Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, CLB Bất động sản Việt Nam (VREC) và Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HREC) cho biết, về vấn đề tiếp nhận thông tin, VREC và HREC đề xuất chính quyền các cấp cần thường xuyên tổ chức tương tác doanh nghiệp. Bởi, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều vì không thể hoặc bị hạn chế sản xuất kinh doanh trong nhiều tháng giãn cách xã hội. Các chính sách và Thông tư mới được ban hành liên tục nhưng thiếu sự phù hợp với doanh nghiệp địa phương khiến doanh nghiệp loay hoay và khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị cũng như không tiếp cận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền về mặt thông tin.
Bên cạnh đó, theo VREC và HREC, lãi suất, hạn mức và đáo hạn là 3 vấn đề liên quan tới dòng tiền mà doanh nghiệp đã đang và sẽ đối mặt trực tiếp trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận dùng lợi nhuận tích luỹ trong 3 năm gần nhất để gồng cho 6 tháng dừng hoạt động năm nay, hoặc nhiều doanh nghiệp không có lợi nhuận tích luỹ, hay lợi nhuận đã bị phân bổ hoặc cổ đông rút vốn, thì phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thông tư số 01/TT-NHNN, 03/TT-NHNH và 14/TT-NHNN đã được ban hành, nhưng tính khả thi và việc thực hiện còn ỳ ạch và rắc rối, ngân hàng thương mại khó khăn trong việc thực thi, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận. Vấn đề này rất cần sự quan tâm và sâu sát của ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, các gói hỗ trợ (cụ thể gói hỗ trợ Nghị định số 68/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ) cần nhanh chóng được áp dụng và có hướng dẫn cụ thể, đây là mong mỏi chính đáng của người lao động.
Ngoài ra, cũng theo VREC và HREC, doanh nghiệp cần được cấp giấy đi đường để duy trì các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước. Nhiều công tác liên quan tới hành chính như: công chứng, thẩm định cho vay mà không cấp giấy đi đường thì không thực hiện được bởi việc triển khai qua trực tuyến thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương và các phòng ban hành chính.
“Cho nên, việc chuyển đổi số đang trở nên cấp bách trong thời gian qua, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và đưa vào mọi mặt đời sống. Đặc biệt, chính quyền cần cởi mở hơn cho những khâu thủ tục pháp lý như: giấy tờ mua bán tài sản, đăng bộ, xác nhận tài sản vay, xác nhận các thủ tục hành chính qua trực tuyến bằng mã hóa “bar code” tương đương giá trị như chữ ký”, VREC và HREC đề xuất.
Cũng theo VREC và HREC, việc thực hiện xét nghiệm cộng đồng là tốn kém và tiềm ẩn nguy cơ cao, thay vì tốn chi phí xét nghiệm quá thường xuyên, chính phủ có thể tập trung vào mua và tiêm vắc-xin cho người dân. Việc tiêm ngừa cần thêm bước sàng lọc kiểm tra trước khi tiêm để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm F0 trong các chương trình tiêm chủng, vốn là nơi tập trung đông người và rủi ro cao.
VREC và HREC đề xuất, cho đi lại với 2 nhóm đối tượng: đã tiêm mũi 2 trên 10 ngày hoặc F0 đã khỏi bệnh trên 10 ngày để từng bước vận hành trở lại nền kinh tế sau thời gian dài giãn cách. Các trường hợp xét nghiệm âm tính nhưng chưa tiêm vắc-xin thì tiếp tục hạn chế đi lại.
Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp xây dựng vì thời gian qua không triển khai thi công được do giấy phép đi đường, triển khai 3 tại chỗ tại công trình xây dựng khó hơn tại nhà máy sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng... dẫn đến ách tắc các công trình xây dựng kéo theo các Công ty phụ thuộc liên quan hệ sinh thái của công trình cũng bị ảnh hưởng theo. Cơ sở hạ tầng và xây dựng là yếu tố quan trọng trong dây chuyền kinh tế cần được tập trung sau dịch.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng phương án “phòng chống dịch theo điểm”
06:10, 30/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế
06:05, 30/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giải pháp “sống cùng với COVID-19”
06:00, 30/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giãn, giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp
06:05, 29/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng chính sách định hướng dòng tiền
06:00, 29/09/2021