KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sớm thiết lập trạng thái “bình thường mới”

BÁO CÁO TỔNG HỢP KIẾN NGHỊ TỪ DOANH NGHIỆP CỦA VCCI 02/10/2021 06:00

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm thiết lập trạng thái “bình thường mới”…

Kiến nghị tới VCCI trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, nhóm Hiệp hội doanh nghiệp: EuroCham, AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, EuroCham và KoCham cho rằng, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, cần xây dựng kế hoạch cho Việt Nam để ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19, xác định một con đường để tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.

Trong đó, các Hiệp hội kiến nghị phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sớm thiết lập trạng thái

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị sớm thiết lập trạng thái "bình thường mới" - Ảnh minh họa

Cụ thể, về vắc-xin, các Hiệp hội kiến nghị phân phối vắc-xin minh bạch, công bằng, hiệu quả và an toàn, theo các nhóm rủi ro ưu tiên: nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, người giao hàng và người bán hàng thực phẩm và sản phẩm y tế thiết yếu, và công nhân tại các khu công nghiệp, cảng và hậu cần

Đồng thời, đề xuất Chính phủ sớm công bố lộ trình triển khai hộ chiếu vắc xin cho người dân (bao gồm cả người nước ngoài).

Về hệ thống “thẻ xanh và thẻ vàng”: cần làm rõ ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi là gì và nó sẽ được điều phối như thế nào giữa các Ban hoặc Bộ ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán. Cũng cần có một cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp “thẻ xanh” cho người nước ngoài, nhiều người trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các Hiệp hội cũng đề xuất, hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân ở Việt Nam cần được trao quyền đầy đủ như một đối tác trong cuộc chiến chống lại COVID-19, cả về quản lý vắc-xin và cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19, bao gồm cả chăm sóc y tế từ xa tại nhà.

Các Hiệp hội hy vọng, các thủ tục Hải quan có thể được đẩy nhanh vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu vào sản xuất và xuất khẩu, vừa để đảm bảo các sản phẩm dược phẩm và thiết bị y tế cứu sinh được đến kịp thời.

Ngoài ra, sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái "bình thường mới” ngay bây giờ, các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện. Giới hạn làm thêm giờ cần được nâng lên để đáp ứng các yêu cầu riêng của các mô hình bong bóng sản xuất và để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén khi nhiều hoạt động sản xuất bình thường hơn được tiếp tục.

Cùng với đó, các biện pháp giãn cách gần đây đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng còn lại và gây khó khăn cho ngay cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực. Các chủ hàng, chợ ẩm thực và chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên tiếp cận vắc-xin và tái mở cửa ngay lập tức, với sự hỗ trợ cung cấp cho những người có nhu cầu.

Vì vậy, nhóm Hiệp hội doanh nghiệp này đề xuất, cần chú trọng an ninh lương thực, không nên để ai bị đói, các nhà hàng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm. Việc giao hàng phải được cho phép ngay lập tức và nên sớm cho phép các cửa hàng bán thức ăn mang đi và các cửa hàng bán thức ăn trong nhà cũng như ngoài trời tuân thủ giãn cách, phục vụ với số lượng bất kỳ dựa trên diện tích mét vuông và sức chứa.

“Khi chúng ta tiến tới một trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động. Sự phối hợp này là rất quan trọng”, các Hiệp hội kiến nghị.

Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất - Ảnh minh họa

Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất - Ảnh minh họa

Về lao động, xuất nhập cảnh chuyên gia, các Hiệp hội đề nghị sửa đổi Nghị định 152 theo hướng tạo điều kiện cho nhà quản lý, chuyên gia. Trước mắt, đề nghị không cần thủ tục xác nhận từ nước ngoài đối với trường hợp người lao động đã được cấp giấy phép lao động trước đây, nay gia hạn hoặc cấp mới; Người nhập cảnh trong thời gian này vẫn cần cách ly bắt buộc, tuy nhiên, thủ tục nhập cảnh cần điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa hơn, vì thực tế rủi ro lây nhiễm trong nước hiện đã cao hơn so với một số vùng lãnh thổ trên thế giới đặc biệt là châu Âu.

Với nhà đầu tư lớn, đề xuất phương án nhập cảnh đặc biệt không cần cách ly; Với các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, có thể chấp thuận nhập cảnh bình thường (nếu thỏa mãn yêu cầu nhập cảnh), nhưng để giảm tải cho hạ tầng cách ly và rủi ro lây nhiễm, Chính phủ có thể cân nhắc cho phép cách ly y tế bắt buộc ở địa phương khác nơi có số ca lây nhiễm ít hơn (hoặc địa phương đang thí điểm mở cửa du lịch).

Cũng theo các Hiệp hội, bây giờ là lúc để lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch, đề xuất mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài kiến nghị, đề xuất của nhóm Hiệp hội doanh nghiệp đã nêu, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cũng kiến nghị thống nhất biện pháp quản lý phòng chống dịch trên toàn quốc.

Trong đó, cần ban hành Chỉ thị mới thay thế các Chỉ thị cũ nhằm phù hợp với tinh thần “sống chung với dịch”, theo đó, nêu rõ điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động sản xuất phải đáp ứng những điều kiện phòng chống dịch tại nơi sản xuất như thế nào; phương án phối hợp của địa phương và doanh nghiệp cụ thể tránh hiểu sai, hoặc mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Nêu rõ các yêu cầu đối với người và phương tiện khi tham gia vận chuyển hàng hóa khi lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, về hỗ trợ dịch vụ y tế, các doanh nghiệp đề xuất được tự tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, hoặc thuê các tổ chức có đủ điều kiện lấy mẫu, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí lấy mẫu xét nghiệm; Bố trí các các đơn vị y tế địa phương chủ động tham gia cùng doanh nghiệp, lấy mẫu, xét nghiệm, tổ chức cách ly; xử lý ổ dịch (nếu có) kịp thời để không ảnh hưởng sản xuất kinh doanh; Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí y tế cho người lao động chưa có BHYT; BHYT chi trả cho người lao động đã đóng bảo hiểm. Các chi phí liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch của doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp; hoặc chi phí Công đoàn; phí BHXH.

Đồng thời hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh tế, trong đó, Hiệp hội đề nghị thực hiện và giám sát việc thực hiện nghiêm nghị quyết Chính phủ số 105/NQ-CP để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, chính xác: Các ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay, gia hạn nợ, tái cơ cấu nợ vay phù hợp để giảm rủi ro cho doanh nghiệp; Giãn, giảm thuế 50% VAT trong năm 2021; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và 2022.

Hoãn các cuộc thanh tra thuế chưa cần thiết đối với các doanh nghiệp đang trong vùng giãn cách; vùng dịch. Hỗ trợ tiền điện nước đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công kính trong vùng bị phong tỏa; các doanh nghiệp phải ngưng sản xuất do thực hiện các chỉ thị của chính phủ; yêu cầu của địa phương.

Miễn giảm các chi phí liên quan BHXH; kinh phí công đoàn; Chấp nhận các chi phí liên quan đến phòng chống dịch do doanh nghiệp tự bỏ ra thực hiện: chi phí xét nghiệm, chống dịch; sản xuất 3 tại chỗ...; Thúc đẩy các dịch vụ vận tải, vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm tránh việc đứt gãy trong chuỗi cung ứng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa ra thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng phương án “phòng chống dịch theo điểm”

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng phương án “phòng chống dịch theo điểm”

    06:10, 30/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế

    06:05, 30/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giải pháp “sống cùng với COVID-19”

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giải pháp “sống cùng với COVID-19”

    06:00, 30/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giãn, giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giãn, giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp

    06:05, 29/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng chính sách định hướng dòng tiền

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng chính sách định hướng dòng tiền

    06:00, 29/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sớm thiết lập trạng thái “bình thường mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO