Kiến tạo pháp lý, chính sách để mở cửa thị trường vốn

NGUYỄN VŨ LONG, Chủ tịch công ty chứng khoán VNDIRECT 16/06/2023 11:18

Kiến tạo môi trường pháp lý, đưa ra thông điệp nhất quán được xem là yếu tố then chốt để thị trường vốn phát triển bền vững và bắt kịp xu hướng tăng trưởng sau phục hồi từ đại dịch Covid-19.

>>Bù đắp khoảng trống pháp lý và niềm tin trên thị trường vốn

Kiến tạo môi trường pháp lý

Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi giúp các doanh nghiệp có thể huy động, tiếp cận nguồn vốn, nên vai trò của nhà đầu tư là rất quan trọng. Năm 2022, với nhiều biến động của vĩ mô bên ngoài mà chúng ta không thể làm chủ được như chiến tranh, dịch bệnh,... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường vốn nói chung. Đây là điểm rất đáng tiếc đối với Việt Nam khi chúng ta đang trong giai đoạn được cho là có tiềm năng lớn.

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch công ty chứng khoán VNDIRECT

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch công ty chứng khoán VNDIRECT

Đến nay, với sự quyết liệt về mặt chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tháo gỡ ách tắc trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn, đã khuyến khích dòng vốn quay trở lại thị trường, quan trọng hơn nữa là những tháo gỡ mang tính cơ bản giúp doanh nghiệp, như tính pháp lý của các dự án.

Tuy nhiên gần đây, chúng ta mới nhìn thấy sự quay lại của nhà đầu tư cá nhân, còn nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, nên tôi cho rằng vẫn cần thêm các yếu tố khác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Qua quan sát chúng tôi nhận thấy, trên thị trường vốn nói chung không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, trong 15 năm tới sẽ có nhiều biến động và không còn sự ổn định như những năm vừa qua. Lý do đơn giản là khi các nền kinh tế phát triển và đến một đoạn giai đoạn nào đó sẽ có sự đua tranh dẫn đầu, đặc biệt với Trung Quốc và Mỹ.

Như vậy, sự biến động sẽ nhanh và bất ngờ hơn, tương tự như cuộc chiến Nga – Ukrain bùng nổ, dẫn đến các nhà đầu tư, các nền kinh tế phải học cách thích nghi. Nghĩa là chúng ta sẽ phải kinh doanh trong môi trường nhiều biến động hơn và bản thân các doanh nghiệp phải làm quen với điều này.

Ở góc độ trong nước, vai trò kiến tạo được xem là yếu tố then chốt để phát triển bền vững và bắt kịp xu hướng tăng trưởng sau phục hồi từ đại dịch Covid-19. Trong đó, chúng tôi muốn nói đến vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý Nhà nước về việc thúc đẩy chất lượng doanh nghiệp trên thị trường.

Chúng ta phải có một môi trường kinh doanh lành mạnh, để các doanh nghiệp có điều kiện làm đúng, làm tốt và phát triển, kịp thời đón nhận cơ hội từ nước ngoài, mà nếu không khéo cơ hội đó sẽ rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với thị trường vốn, đây cũng là giai đoạn kiến tạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giúp khơi thông dòng vốn, tạo ra hành lang cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trung và dài hạn tốt hơn.

Cách đây 3 năm, chúng ta đã làm bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) - một kênh dẫn vốn tuyệt vời cho các doanh nghiệp, nhưng trong thời gian qua đã có những biến cố, những sai lầm đáng tiếc của một vài cá thể không đại diện cho cả thị trường lại ảnh hưởng đến tâm lý chung của toàn bộ thị trường.

Từ đó để thấy, vai trò kiến tạo hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận lại nguồn vốn này là rất cần thiết. Tôi cho rằng, sẽ mất khoảng thời gian một vài năm để hồi phục và chắc chắn sẽ hồi phục, nhưng làm sao thúc đẩy thị trường phát triển bền vững mới là điều quan trọng.

Đối với thị trường cổ phiếu, hiện nay đương nhiên trở thành một nền tảng huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp cân đối lại tình hình tài chính của mình. Nhất là sau khủng hoảng, các doanh nghiệp thường có một quá trình giảm tỷ lệ đòn bẩy, mà cách tốt nhất là xây dựng được năng lực huy động vốn trên thị trường cổ phiếu. Điểm tích cực lúc này là thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, việc huy động sẽ đỡ khó khăn hơn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Sau khi giai đoạn kiến tạo đã qua, chúng ta sẽ tự tin có một sân chơi, nền tảng về pháp lý cũng như các vai trò trung gian tốt hơn, thì TTCK Việt Nam sẽ hồi phục rất nhanh.

>>Thị trường chứng khoán đã phản ánh hết tiêu cực của nền kinh tế

Thông điệp chính sách rõ ràng

Riêng về vấn đề niềm tin của thị trường, tuy đơn giản nhưng cũng phức tạp. Vì niềm tin đến từ rất nhiều yếu tố khác nhau, không đơn thuần là câu chuyện chính sách hay môi trường kinh doanh và nội tại các doanh nghiệp...

Cần đẩy mạnh vai trò vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý Nhà nước về việc thúc đẩy chất lượng doanh nghiệp trên thị trường vốn

Nhưng từ góc nhìn góp ý làm sao để chúng ta xây dựng niềm tin cho thị trường, theo tôi có một số điểm như sau: Thứ nhất, về mặt chính sách ở Việt Nam cần sự mạch lạc, nhất quán và rõ ràng.

Hiện nay ai cũng quan sát Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để hành xử và đưa ra quyết định đầu tư. Một trong những cách họ tiếp cận là Fed luôn luôn đưa ra thông điệp thị trường, không phải là tăng - giảm lãi suất mà tạo ra định hướng kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nếu thấy rằng Fed vẫn còn tăng lãi suất thì không thể đẩy mạnh đầu tư do chi phí vốn lớn và ngược lại. Còn từ góc độ nhà đầu tư, khi rủi ro, biến động vĩ mô vẫn còn đó, họ sẽ chậm lại một nhịp trong hoạt động đầu tư của mình.

Tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch chủ động của nhà đầu tư nước ngoài chỉ là những quỹ đầu tư đã có huy động vốn cho đầu tư ở thị trường Việt Nam, còn dòng vốn mới vào thì nhóm đang đứng chờ bên ngoài rất lớn. Trong khi ai cũng biết Việt Nam là một điểm sáng trong 10 năm tới, với thị trường 100 triệu dân và độ tuổi vàng.

Tuy nhiên thời điểm nào họ đưa tiền vào và đưa tiền vào đâu là hai bài toán lớn cần phải giải, cho nên bài học ở đây là, trong tất cả những thông điệp chúng ta điều hành về chính sách vĩ mô cần có thông điệp rõ ràng, đòi hỏi sự nhất quán từ các cấp Chính phủ, Bộ ngành đến các cơ sở.

Theo tôi, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để lấy lại niềm tin dài hạn, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong nước, sự hồi phục của thị trường sẽ làm ấm lên niềm tin của nhà đầu tư, nhưng cũng cần quan sát các biến số mà mình không kiểm soát được đến từ bên ngoài. Việt Nam là nền kinh tế mở, trong khi thế giới vẫn đang trong tình trạng khó khăn, môi trường lãi suất cao và nền kinh tế đi xuống... thì doanh nghiệp sẽ rất khó để có đủ năng lực bao phủ dòng tiền.

Và khi thế giới khó khăn thì nền kinh tế Việt Nam cũng không thể bùng nổ.Vì vậy, nhà đầu tư sẽ phải quan sát để lựa chọn vị thế đầu tư phù hợp, đồng thời hạn chế sử dụng đòn bẩy tránh rủi ro bất ngờ.

Thứ hai, giai đoạn này thị trường bắt đầu có sự hồi phục, nhưng vẫn rất khó để nhìn rõ, nên mức độ tiếp cận thị trường cần cẩn trọng và vừa đủ. Để giảm bớt rủi ro ngắn hạn, chúng ta phải nhìn dài hơi hơn, có cách tiếp cận khác và quản lý kỳ vọng của mình, nhà đầu tư không thể kỳ vọng khoản đầu tư nào cũng sinh lời từ 20-30% trong một lần giao dịch.

Ngoài ra, cách chọn vị thế ở thời điểm này cũng rất đáng chú ý. Giả sử khi có một sự kiện nào đó bất ngờ trên thế giới xảy ra thì thị trường sẽ có những phản ứng mạnh, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc để ra quyết định đầu tư trong thời điểm hiện tại để tránh câu chuyện quá nóng trong ngắn hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 6/2023?

    16:00, 12/06/2023

  • Thị trường chứng khoán đã phản ánh hết tiêu cực của nền kinh tế

    04:50, 12/06/2023

  • Chủ tịch UBCKNN tham dự Hội nghị các Uỷ ban Chứng khoán(IOSCO) Châu Á-Thái Bình Dương

    01:34, 15/06/2023

  • Thị trường chứng khoán: Những lưu ý trong ngắn hạn

    05:20, 11/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến tạo pháp lý, chính sách để mở cửa thị trường vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO