Kìm chế lạm phát: Cần có chính sách quản lý giá hiệu quả

GIA NGUYỄN 01/08/2022 00:06

Để ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể hơn để kìm chế giá cả, tránh nguy cơ lạm phát tăng cao.

>> Lạm phát và thắt chặt tiền tệ: Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá trong nước 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược. CPI tháng 6 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 3,2% so với tháng 12/2021 và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,3%. Trước tình hình trên, đại diện các sở, ngành tại các địa phương mong muốn có chính sách quản lý giá hiệu quả để tránh nguy cơ lạm phát tăng cao.

Điều hành linh hoạt tín dụng, tỉ giá để giảm sức ép lạm phát - Ảnh minh họa

Điều hành linh hoạt tín dụng, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về nguy cơ lạm phát gia tăng, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng phục hồi nhưng chậm; du lịch và lưu trú vẫn phục hồi nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Về sức mua, hiện nay chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với trước đây, trong khi đó, chi phí đầu vào tăng nên lạm phát có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Dự đoán, lạm phát năm 2022 tăng 3,8 – 4,2%, nghĩa là tăng gấp đôi năm 2021.

Trong khi đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mặc dù lạm phát ở các nước trên thế giới dự báo có tăng cao nhưng tại Việt Nam có thể chặn được đà tăng này khi mặt bằng giá ở trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.

“Từ đầu năm đến nay, nhiều chính sách kìm chế giá hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất được ban hành kịp thời, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4...”, PGS.TS Ngô Trí Long lý giải.

>> Áp lực lạm phát đè nặng doanh nghiệp, giải pháp nào?

Dù khẳng định tình hình lạm phát vẫn khó đoán trong những tháng cuối năm, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể hơn để kìm chế giá cả - Ảnh minh họa

Dù khẳng định tình hình lạm phát vẫn khó đoán trong những tháng cuối năm, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể hơn để kìm chế giá cả - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long, đặc biệt là vấn đề về lạm phát của Việt Nam, thông tin với báo chí, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright) cho rằng, lạm phát Việt Nam không quá lo. Theo thống kê, các nước lạm phát trên 8%, trong khi đó ở Việt Nam chỉ 2,9%. Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn định, kể cả những cuộc khủng hoảng mới đây nhất là năm 2008 – 2009, trước đó là năm 1997 – 1998.

“Hiện nay, tình hình lạm phát ở Việt Nam chưa thật sự lo ngại nhưng cũng thận trọng vì độ trễ thị trường, tăng trưởng của Việt Nam chưa cao. Ngoài ra, Việt Nam là nước xuất khẩu thực phẩm chứ không phải là nhập khẩu thực phẩm nên không bị tác động nhiều về giá cả, khi giá cả thế giới đang tăng”, TS. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.

Dù khẳng định tình hình lạm phát vẫn khó đoán trong những tháng cuối năm, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể hơn để kìm chế giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, sống trong hoàn cảnh không bình thường thì tư duy của chúng ta phải khác thường. Việt Nam đang có nền tảng tốt, kinh tế đang có đà, có khát vọng thì có thể bứt phá và chúng ta không nên lãng phí cơ hội này. Sắp tới, chúng ta có thể phải “bơm tiền” vào nền kinh tế để kìm chế lạm phát tăng.

Vị chuyên gia này cho rằng, sở dĩ cần “bơm tiền” vào nền kinh tế là trong trường hợp nền kinh tế bị lạm phát dẫn đến doanh nghiệp có thể “thiếu máu”, thiếu nguồn lực. Ngoài ra, “bơm máu” vào nền kinh tế là biện pháp “lấy độc trị độc", bởi hiện nay, các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để hồi phục sản xuất, kinh tế trở lại để phát triển nền kinh tế ổn định, mặt khác còn cân bằng, minh bạch nguồn vốn cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhất.

Còn theo TS. Vũ Thành Tự Anh, hiện nay tín dụng tăng trưởng khá cao, cụ thể tính đến hết tháng 6 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần thận trọng, không thể bung tín dụng ra vì làm như vậy dẫn đến hệ lụy xấu. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỉ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, để kìm chế lạm phát tăng cao, các nhà quản lý cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát.

Có thể bạn quan tâm

  • Lo lạm phát và tỷ giá, nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng vọt

    Lo lạm phát và tỷ giá, nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng vọt

    05:00, 30/07/2022

  • Việt Nam sẽ

    Việt Nam sẽ "ngược sóng" lạm phát, tiếp tục tăng trưởng?

    11:30, 28/07/2022

  • Mỹ ứng phó thế nào với vòng xoáy lạm phát?

    Mỹ ứng phó thế nào với vòng xoáy lạm phát?

    04:30, 28/07/2022

  • Lạm phát và thắt chặt tiền tệ: Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt

    Lạm phát và thắt chặt tiền tệ: Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt

    05:00, 21/07/2022

  • Áp lực lạm phát đè nặng doanh nghiệp, giải pháp nào?

    Áp lực lạm phát đè nặng doanh nghiệp, giải pháp nào?

    15:15, 19/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kìm chế lạm phát: Cần có chính sách quản lý giá hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO