Kinh doanh bảo hiểm thời dịch COVID-19

Theo thoibaokinhdoanh 18/02/2020 08:30

Ngành bảo hiểm ít bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch virus COVID-19, ngược lại, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ "ăn theo" dịch để "tung" ra gói bảo hiểm hấp dẫn nhằm hút khách.

Liên quan đến dịch COVID-19, theo đánh giá sơ bộ của Bộ Tài chính, giá dịch vụ bảo hiểm hiện chưa tăng, nhưng nếu dịch kéo dài, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tăng chi phí bồi thường, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, do đó phải điều chỉnh tăng phí bảo hiểm.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết số lượng khách hàng mua bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ tăng nhanh (Ảnh: Thanh Hoa)

Một số doanh nghiệp bảo hiểm cho biết số lượng khách hàng mua bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ tăng nhanh (Ảnh: Thanh Hoa)

Không có tác động tiêu cực

Theo Bộ Tài chính, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, về cơ bản các hợp đồng bảo hiểm được tái tục từ cuối năm trước, hoặc là các hợp đồng bao, nên tổng doanh thu phí bảo hiểm không có nhiều biến động (bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm sức khoẻ...).

Tuy nhiên, ở một số hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng liên quan đến lao động Trung Quốc. Ngoài ra, hoạt động du lịch sang Trung Quốc bị trì hoãn, dẫn đến việc giảm phí bảo hiểm du lịch và có thể tăng chi phí bồi thường gián đoạn kinh doanh cho một số doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh chi phí bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 có tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, trong ngắn hạn phí bảo hiểm du lịch và chi phí bồi thường gián đoạn kinh doanh không quá cao và chưa phát sinh chi phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân nhiễm COVID-19. Điều này là do hầu hết các chi phí y tế sẽ được Bảo hiểm xã hội chi trả. Ngoài ra, việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể xảy ra 1-2 tháng sau sự cố, do đó tác động tiêu cực sẽ không diễn ra ngay đối với kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm trong quý I/2020.

Đồng thời, do tác động của việc hạn chế sử dụng cồn trong điều khiển phương tiện giao thông lại làm giảm chi phí bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Vì vậy, về tổng thể tác động đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ không lớn.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhìn nhận quý đầu năm sẽ khó khăn và kỳ vọng tình hình sẽ tốt hơn vào những quý sau. "Trong thời gian chờ đợi dịch bệnh sớm được đẩy lùi, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới, bởi doanh nghiệp nào cũng mong muốn có một khởi đầu năm mới thuận lợi", lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ khách hàng trước đại dịch Corona

    Doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ khách hàng trước đại dịch Corona

    12:56, 06/02/2020

  • Thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

    Thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

    11:00, 15/01/2020

  • Vay tiêu dùng được bảo hiểm tối đa

    Vay tiêu dùng được bảo hiểm tối đa

    10:54, 09/01/2020

"Ăn theo" dịch virus

Ngược lại, với bảo hiểm nhân thọ, dịch bệnh Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng bán sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh khai thác bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ để người dân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm nếu nhiễm dịch Covid-19.

Chẳng hạn, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã nhanh chóng phát triển sản phẩm bảo hiểm mới để chung tay với cộng đồng hạn chế rủi ro do dịch bệnh gây ra: Bảo hiểm Corona ++. Ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN thuộc CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) cho ra mắt gói sản phẩm có tên là “Corona Care - Chung tay đẩy lùi Corona".

Một số doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra cho khách hàng không may nhiễm COVID-19 được áp dụng khoảng thời gian nhất định và một trong những hỗ trợ điển hình là miễn thời gian chờ, như: AIA, Bảo Việt Nhân thọ, Manulife...

Về tác động của dịch COVID-19 tới ngành bảo hiểm nhân thọ, SSI Research nhận định sẽ có ít tác động trong ngắn hạn và duy trì quan điểm tích cực trong dài hạn vì nhu cầu được bảo hiểm tăng khi dịch bệnh xuất hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ cần các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng vào nửa cuối năm 2020, lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm.

Về khả năng điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh, cũng như mục tiêu tăng trưởng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không có tiền lệ điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh.

“Chắc chắn mục tiêu tăng trưởng được đặt ra từ đầu năm của các doanh nghiệp sẽ không bị điều chỉnh giảm kể cả trong trường hợp xấu nhất là dịch bệnh kéo dài. Dù khó khăn đến đâu cũng phải cố hết sức. Các doanh nghiệp đều phải có chiến lược mới trong tình hình này. Tất cả đều đang cố gắng, không ai dừng lại cả”, vị đại diện này nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh doanh bảo hiểm thời dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO