Cảm xúc là một phần không thể thiếu trong đời sống mỗi người nhưng làm sao để quản trị được cảm xúc, vì sao phải cần có trí tuệ đối với cảm xúc của mình?
Trí tuệ nhân tạo và trí tuệ cảm xúc là hai phạm trù hoàn toàn không phải để thay thế cho nhau, trí tuệ cảm xúc là cốt lõi, nền tảng cho mọi vấn đề trong đó có cả trí tuệ nhân tạo. Cảm xúc là trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách. Cảm xúc có nhiều loại: cảm xúc đạo đức, cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc trí tuệ... Một đặc trưng của cảm xúc là có tính đối cực: yêu và ghét, ưa thích và không ưa thích, xúc động và dửng dưng...
Rõ ràng cảm xúc là một phần không thể thiếu trong đời sống chúng ta, nhưng làm sao để quản trị được cảm xúc của mình?
Trí tuệ cảm xúc được biết đến từ một số dấu hiệu như: Biết được mình là ai cho bản thân và ta trong mối quan hệ xã hội và từ đó xác định cho mình cách hành xử nên làm gì với bản thân và với các mối quan hệ đó. Hay nói cách khác khi có trí tuệ cảm xúc là khi chúng ta hiểu/biết mình như thế nào (bản thân và trong tương quan với người khác) để có được cách hành xử với bản thân và các mối quan hệ tương ứng. Đó là khi chúng ta biết cảm xúc của mình (và người khác) để biết cần làm gì với những cảm xúc đó.
Tôi đã đọc đâu đó câu nói “Nếu chúng ta có thể quản lý được cơn giận trong 1 giây thì chúng ta có thể tránh được hàng trăm ngày khổ đau”. Đa phần khi cảm xúc đến thì nó sẽ kéo mình đi và mình tự động làm theo cảm xúc đó. Lời nói đã kịp thốt ra, hành động đã kịp làm và không thay đổi được, chỉ còn lại những dằn vặt khổ đau của những gì đã xảy ra.
Trong quản trị doanh nghiệp và quản trị bản thân thời công nghệ, doanh nhân đang chịu những thách thức dữ dội giữa những xu hướng quản trị mới thay đổi liên tục, có khi lật đổ tất cả những gì vốn được coi là chân lý, đó là trăn trở của rất nhiều người hiện nay. Nhiều công trình được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo khiến bản thân tôi cũng vô cùng hào hứng nhưng ngược lại nhiều lúc tôi cũng “mắt tròn mắt dẹt” khi nghe đến.
Nhờ trí tuệ nhân tạo, mọi thứ được vận hành một cách nhanh, hiệu quả, tiết kiệm sức người hơn. Ở Alux.com, có đến 45% phần công việc mà chúng ta đang làm sẽ được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo và có đến 15 nghề sẽ biến mất trong 15 năm tới như tài xế, nông dân, nhà báo, đại lý du lịch, công nhân nhà máy, giao hàng, nhân viên ngân hàng,… Quản trị doanh nghiệp phải thay đổi liên tục, chúng ta cũng phải biết cải tiến liên tục để không bị máy móc thay thế. Tuy nhiên, tôi tin những gì thuộc về chân lý sẽ vẫn ở đó và không gì có thể lật đổ được. Tôi tin mọi vấn đề phải bắt nguồn từ con người, từ tính người và từ chính bản thân mình.
Trong công ty hay tổ chức thường thì mọi người đều nghĩ lãnh đạo là sếp, là lãnh đạo người khác. Tuy nhiên một điều rất quan trọng mà tôi luôn luôn tin là người lãnh đạo muốn lãnh đạo được người khác một cách thành công và hiệu quả thì họ cần phải biết lãnh đạo chính bản thân mình.
Cũng như thế: Lãnh đạo muốn truyền động lực/truyền cảm hứng người khác, thì phải truyền động lực/truyền cảm hứng được chính bản thân mình. Lãnh đạo muốn người khác tin những gì mình nói, thì chính bản thân mình phải tin vào những gì mình đang muốn nói. Và quan trọng hơn lãnh đạo muốn người khác tin tưởng và tôn trọng mình thì trước hết mình phải có lòng tin và tôn trọng chính bản thân mình.
Tất cả bắt đầu từ bản thân mình, từ con người và cảm xúc chính là điều mà con người có, trí tuệ nhân tạo không có (ít nhất là hiện nay, còn tương lai tôi cũng không biết được khi mà khoa học tiên tiến đang thực sự thay đổi thế giới và cuộc sống chúng ta cho đến nay).
Vậy thì trong cuộc cách mạng 4.0, khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi, khi con người chưa biết tương lai bất định thế nào, điều gì sẽ giữ chúng ta lại với bản tính Người? Đương nhiên đó là cảm xúc và cao hơn nữa là việc có trí tuệ để nhận biết và quản lý cảm xúc của mình, từ đó có cách hành xử đúng đắn và mang tính Người.
Bắt đầu từ việc biết mình, đó là chìa khóa cho mọi sự việc. Tự nhận biết bản thân, ta mạnh gì, yếu gì, thích gì, không thích cái gì, mong cầu gì sẽ là kim chỉ nam cho những quyết định của chúng ta trong đời.
Trong cuộc sống hiện đại nhiều người đã đánh mất mình trong chính bản thân mình, trong vị trí hiện tại, và trong cuộc sống. Chúng ta thường chạy theo những mong cầu, tham vọng, địa vị, danh xưng mà xã hội đã dán nhãn mác cho nó là thành công, đầy đủ, hạnh phúc. Để một ngày ta nhận ra những gì ta theo đuổi bao năm không phải thực sự là mong muốn của chúng ta, mà do chính cảm xúc, mong cầu của ta kéo ta đi với mong muốn tìm kiếm thành công và hạnh phúc. Từ bao giờ không hay ta trở thành nô lệ của chính cảm xúc của bản thân mình. Cho nên sẽ không quá khi nói rằng chúng ta là sản phẩm của xã hội và là nô lệ của cảm xúc của chính chúng ta và người khác.
Tôi đã áp dụng cách này từ lâu rồi, mới đây rất hạnh phúc khi học được từ vị thầy của mình cách quản trị với cảm xúc rất giống với những gì tôi đã áp dụng (mặc dù nó không được cụ thể bài bản theo cách thầy tôi dạy). Chúng tôi được dạy cách nhận thức rõ được những gì đang xảy ra với bản thân và tâm mình.
Khi sự việc xảy đến, chúng ta nên có một cơ chế để nhận biết được cảm xúc đang diễn ra. Sau khi nhận biết cảm xúc của mình thì chúng ta phải biết dừng lại một chút để hiểu những cảm xúc đó và sau đó chọn cho mình cách phản ứng/hành xử phù hợp để có thể giải quyết công việc một cách hiệu quả và cũng để có thể giữ gìn và xây dựng mối quan hệ tốt nhất cho bản thân và cho công việc. Thành công hay thất bại, thành tựu hay tan vỡ phụ thuộc rất nhiều vào những lúc dừng lại để cảm nhận cảm xúc của mình như thế này.
Tôi tin là thành công hay thất bại của một công ty chịu ảnh hưởng rất nhiều của trí tuệ cảm xúc của những người lãnh đạo công ty.
Theo Doctor Travis Bradberry, trí tuệ cảm xúc chiếm đến 58% dẫn đến kết quả thành công trong công việc của một người nhân viên; 90% những người xuất sắc trong công việc thì có trí tuệ cảm xúc rất cao. Biết quản lý cảm xúc của mình chiếm phần cực kỳ quan trọng cho thành công trong công việc. Trí tuệ cảm xúc tốt còn giúp chúng ta kết nối với nhân viên, đồng nghiệp tốt hơn. Hiểu mình, hiểu người khác thì còn gì bằng để tạo ra một đội ngũ tuyệt vời, cùng nhau làm việc cho một đích dến?
Thêm vào đó, có những quyết định mà một người lãnh đạo khi không có đủ dữ liệu để quyết định thì thường có thể dựa vào trực giác, cảm nhận thực tế của mình. Rất nhiều lần trực giác là sai vì lúc đó chúng ta có quá nhiều thứ phải lo, dữ liệu nó bị nhiễu sóng. Vì thế muốn có một trực giác đúng hơn thì cần phải biết thư giãn để có thể lắng nghe bản thân mình tốt hơn. Chúng ta có thể thư giãn thông qua các hoạt động thể thao, dành thời gian cho những thú vui mình yêu thích, hoặc thư giãn thân tâm mình. Sau một thời gian, các giác quan và sự nhạy bén sẽ quay trở lại, có tác dụng chữa lành, làm mới và tái tạo năng lượng cho mình.
Người thông minh thường tin vào những gì mình nghĩ, nghĩ là mình đúng nên bớt cởi mở, bớt lắng nghe. Trong khi đó, không ai sẽ biết tất cả, kiến thức mỗi người chỉ là hữu hạn, những gì không biết là vô hạn, nói cách khác là điểm mạnh chúng ta có thể rất ít và điểm yếu rất nhiều. Nếu không biết sử dụng trí thông minh của mình một cách hiệu quả, cởi mở với đời, với người, trải nghiệm và với thân tâm mình thì rất dễ trở thành nô lệ của sự thông minh của chính chúng ta.
Khi sử dụng sức mạnh về suy nghĩ trí thông minh quá nhiều thì có xu hướng chúng ta sẽ bị đóng kín bởi cái tiến trình đấy, các quyết định đưa ra sẽ có thể không bao quát, không đúng đắn và đầy đủ.
Trong khi đó, người có trí tuệ cảm xúc tốt thường cởi mở, lắng nghe hơn, cảm nhận được tốt hơn, thu được nhiều dữ liệu hơn (nhưng cũng biết cách chắt lọc dữ liệu cần thiết) để có thể nhìn nhận thực tế một cách đúng nhất và từ đó ra quyết định hiệu quả nhất.
Gần 20 năm đi làm, để được như ngày hôm nay, tôi đã nỗ lực rất nhiều, làm việc với 200% công suất, thuận lợi cũng có mà khó khăn cũng nhiều. Những lúc khó khăn như vậy, tôi thường áp dụng một số quy tắc để vượt qua thử thách: Thứ nhất là biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu tại sao người ta làm điều đó, nếu ta là họ, ta có làm thế hay không? Tại sao việc này xảy ra đối với mình? Áp dụng 7 Thói quen của người thành đạt của Stephen Covey, suy nghĩ tích cực cho những điều người khác nói ra (và đừng nghĩ tiêu cực), cố gắng nhìn vào mặt tốt, mặt tích cực của mỗi vấn đề thay vì nghe đến là phùng mang trợn má. Quá trình này giúp ta mở lòng ra với những nhận xét của người khác và sẵn sàng sửa chữa nếu mình có gì sai sót hoặc cần cải thiện.
Đây là quá trình tuyệt vời giúp tôi chữa lành và khai mở chính mình nhiều hơn nữa. Quan trọng là phải biết mình cần gì ở cuối con đường, nhắc nhở mình về mục tiêu trong mỗi công việc, nghề nghiệp hay mối quan hệ, để bảo đảm chúng ta không “lạc lối” trong con đường tìm kiếm thành công và hạnh phúc khi khó khăn chắn ngang lối đi.
“Ngọc sáng thì phải mài, mà nhân tài thì phải thường xuyên tôi luyện”, trong cuộc đời của mỗi người, có khi nào ta nghĩ ta không cần phải tập luyện cực khổ mà trở nên giỏi giang và kiệt xuất trong một lĩnh vực hay kiến thức nào không? Tuy nhiên ở đây tôi muốn nói đến một vấn đề cao hơn, thay vì tự “mài” mình để có viên ngọc sáng thì việc chúng ta chấp nhận những điều khó khăn, những cản trở đến để có thể trưởng thành lên từ đó là chuyện đáng để học và thực tập.
Có một quy tắc mà tôi thực hành bao lâu nay là Đừng bao giờ quyết từ bỏ một công việc hay một vấn đề gì cũng như mối quan hệ nào khi nó ở giai đoạn khó khăn hay chán chường nhất. Vì sao? Vì những quyết định đó rất nhiều lần có thể bị ảnh hưởng đến cảm xúc ngay lúc đó. Hãy cứ cố gắng duy trì, tĩnh tâm, lạc quan tin rằng rồi việc gì cũng sẽ qua, sau khi qua khỏi đỉnh khó khăn, nếu vẫn muốn từ bỏ, lúc đó hãy từ bỏ. Và vì thế tôi thấy mình tự tin vào quyết định của mình, có được một cảm giác bình yên, không ray rứt cho những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Quy tắc này đã giúp ích tôi rất nhiều, trong công việc, trong cuộc sống cũng như trong hành trình tìm kiếm bình an, hạnh phúc cho bản thân.
*Tổng Giám đốc nhượng quyền Pepsico Vietnam