Mối hệ quan hệ giữa Grab và người lái xe là hợp tác kinh doanh chứ không phải là quan hệ “chủ sử dụng lao động – người lao động”.
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Từ vụ việc tranh cãi về thuế, chuyện “xe ôm công nghệ” đình công, có ý kiến nói rằng “kinh tế chia sẻ” cần nhìn nhận lại một cách khách quan và khoa học hơn. Quan điểm của ông thế nào?
Đúng là “kinh tế chia sẻ” đã có những thay đổi khi hoạt động ở môi trường kinh doanh của Việt Nam. Và những thay đổi này thực ra đã diễn ra từ trước đó chứ không chờ đến khi vụ việc về thuế, về những tranh cãi giữa các bên giữa tài xế, hãng xe, ngành thuế xảy ra thì những vấn đề của “kinh tế chia sẻ” thì vấn đề mới được bộc lộ.
Dù sao đây là cơ hội tốt để các cơ quan làm chính sách nhìn nhận lại tổng thể mô hình “kinh tế chia sẻ” và xử lý một cách rốt ráo và toàn diện các vấn đề gồm quy định kinh doanh cho từng ngành (ngành vận tải hành khách; logistic; kết nối cơ sở lưu trú); về quan hệ lao động; về thuế; về an sinh xã hội cho lực lượng lao động mới – những công việc vốn đang xử lý một cách riêng rẽ và chưa đến nơi đến chốn.
Trước hết, tôi nghĩ rằng cũng không cần sa đà tranh cãi về mặt thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” hay kinh tế chia sẻ bị méo mó. Về bản chất thì các mô hình như Grab, Bee, Goviet, Fast Go trong lĩnh vực gọi xe; rồi logistic/ giao nhận hàng hoá hay ứng dụng Aibnb, Traveloka … trong kết nối cơ sở lưu trú, về bản chất vẫn là dùng công nghệ số để kết nối kinh doanh. Có thể coi đó là một dịch vụ số kiểu mới tạo ra mô hình kinh doanh mới, trong đó người chạy xe hay người có phòng cho thuê là đối tác cùng với hãng công nghệ để cùng cung cấp dịch vụ.
Điều này làm thay đổi các vấn đề gồm quan hệ lao động (tranh luận rằng người lái xe có phải là nhân viên, người làm thuê cho hãng công nghệ hay không); vấn đề thuế (ai đóng thuế, đóng thuế như thế nào); về phúc lợi xã hội (chế độ bảo hiểm); về bảo vệ người lao động (có công đoàn không, bảo vệ quyền lợi người lái xe thế nào?). Tôi vẫn nhắc lại đó mới là các vấn đề chính sách cốt lõi mà cơ quan nhà nước cần xử lý.
- Vậy cụ thể những thay đổi là gì? Nó ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế và người kinh doanh; người lao động?
Dù có “thay đổi” hay “biến tướng” – theo nghĩa là thay vì dùng tài sản sẵn có (ô tô nhà; phòng thừa không dùng đến để kinh doanh) để hợp tác kinh doanh như mô hình lý tưởng của kinh tế chia sẻ; thì ở Việt Nam, người dân mua mới tài sản (ví dụ xe ô tô) để tham gia cùng công ty công nghệ; thì lợi ích của công nghệ mang đến vẫn là rõ ràng và nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện để các bên: công ty công nghệ; người dân, người tiêu dùng cùng được hưởng lợi.
Từ các nghiên cứu, quan sát của chúng tôi, tôi vẫn cho rằng lợi ích của mô hình dịch vụ công nghệ số mang lại là lớn: thị trường minh bạch hơn, cạnh tranh hơn; cơ hội kinh doanh và có việc làm của người dân tốt hơn; người dùng được sử dụng dịch vụ với giá cả rõ ràng; cơ hội để sử dụng dịch vụ nhiều hơn do có nhiều nhà cung cấp hơn; an toàn hơn …
Và rộng hơn, tác dụng lan toả của công nghệ số là một nền kinh tế số, trong đó cốt lõi là dịch vụ số mang lợi ích toàn diện cho Việt Nam nhờ nâng cao hiệu quả và năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.
Do đó, với lợi ích lớn như vậy, câu hỏi đặt ra là xử lý các vấn đề chính sách như thế nào để khuyến khích; chứ không phải là ép doanh nghiệp và các bên tham gia quay về với kiểu kinh doanh cũ để thuận tiện cho quản lý nhà nước.
- Vậy mối quan hệ bên trong mô hình dịch vụ công nghệ số, tạm gọi là mô hình “Grab” - quan hệ giữa “Grab” với người lái xe là thế nào?
Tôi cho rằng đây là mối hệ quan hệ hợp tác kinh doanh chứ không phải là quan hệ “chủ sử dụng lao động – người lao động” được.
Theo tôi, điểm mấu chốt cơ bản để hình thành quan hệ lao động là phải có quan hệ trả lương giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nếu tiền cước vận tải do hành khách trả đi vào túi của Grab, trở thành tài sản của Grab. Sau đó, Grab mới trích một phần ra để trả lương cho tài xế thì mới có cơ sở để nói tài xế là người làm công ăn lương của Grab được. Nhưng trên thực tế tôi thấy quan hệ ở đây là: 2 bên, tài xế và Grab sử dụng dịch vụ của nhau – là đối tác của nhau. Có một “hiểu lầm” về nhận thức là Grab ở “cửa trên”, đối xử bất công với tài xế; rằng Grab mới là người định giá; xác định tỷ lệ chiết khấu. Điều đó không hẳn là sai nhưng cũng cần nhìn ngược lại: tài xế cũng có thể xem là người “thuê” Grab làm nhiệm vụ kết nối với hành khách và tài xế trả Grab một khoản phí, cộng với một khoản chiết khấu từ doanh thu của tài xế.
- Như vậy, tài xế Grab có thể đặt mình ở vị trí “cửa trên”?
Đúng vậy! Khi nhìn từ góc độ đó, trong mối quan hệ giữa các công ty trung gian kết nối vận tải và đối tác tài xế của họ, phía tài xế có những thế mạnh và lựa chọn của riêng họ. Nếu tài xế không đồng ý với các công ty trung gian, họ hoàn toàn có thể tắt ứng dụng và tiếp tục hoạt động dưới loại hình xe ôm truyền thống hoặc hợp tác với công ty công nghệ mà họ thấy có lợi hơn.
Họ không hoàn toàn bị lệ thuộc vào ứng dụng, và họ chỉ chọn sử dụng các dịch vụ kết nối tại vì điều đó mang lại nhiều lợi hơn so với việc đứng đợi khách ở đầu ngõ. Ngược lại, các công ty trung gian kết nối cũng bị phụ thuộc vào các đối tác tài xế, vì họ không sở hữu phương tiện và lái xe. Nếu họ không có tài xế - tức là nếu họ không bán được dịch vụ kết nối cho tài xế - họ sẽ không có doanh thu. Phải chăng đây là lý do tại sao các công ty ứng dụng lại luôn đưa ra các chương trình hỗ trợ cho tài xế, để họ tiếp tục sử dụng dịch vụ kết nối của mình.
Phân tích như vậy để thấy đây là mối quan hệ đối tác kiểu mới. Và từ đó, các vấn đề tiếp theo sẽ phải xử lý theo cách mới.
- Xin cảm ơn ông!
“Về vấn đề thuế, theo tôi cả 2 bên trong mối quan hệ đối tác đều có nghĩa vụ nộp thuế. Grab, Bee, Aibnb có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT. Và bên hợp tác: tài xế, hay người có nhà cho thuê cũng có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập; thuế VAT. Đối với phía doanh nghiệp thì dễ xử lý hơn và đã có cách. Còn đối với phía hợp tác, câu chuyện cần xử lý là mức thuế hợp lý và cách thức thu thuế. Ví dụ với tài xế xe ôm, nên áp dụng thuế khoán cho phần VAT với một tỷ lệ hợp lý (10 % VAT là quá cao, không hợp lý); và thuế chỉ nên tính khi tổng thu nhập từ nguồn thu vượt quá 100 triệu.”
Có thể bạn quan tâm
Uber vừa cứu cả nền kinh tế chia sẻ California
05:08, 06/11/2020
Kinh tế chia sẻ: Liệu lợi ích trước mắt có đi cùng định hướng bền vững?
13:19, 26/06/2020
Taxi truyền thống 'sống mòn' trong nền kinh tế chia sẻ
13:19, 05/06/2020
Chia sẻ trong kinh tế chia sẻ
04:38, 29/03/2020
“Cởi trói” kinh tế chia sẻ: Taxi công nghệ vẫn tốn thời gian và chi phí?
16:05, 25/02/2020
Dừng thí điểm kinh tế chia sẻ (Kỳ I): Taxi công nghệ có được cởi trói?
22:11, 24/02/2020