Kinh tế số ghi nhận “xoay chiều” ở Đông Nam Á, Singapore thụt lùi, Việt Nam tăng trưởng hai chữ số và sẽ vươn lên thứ hai ASEAN vào năm 2025.
Tuy vậy, điểm xuất phát và nỗ lực tăng tốc của các quốc gia Đông Nam Á có sự khác biệt đáng kể. Ngay trong từng quốc gia, cơ hội không như nhau cho các nhóm doanh nghiệp.
Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số năm 2020 với 16%, tương đương tăng từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD trong năm 2020.
Tại báo cáo thường niên "e-Conomy SEA 2020" của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số năm 2020 với 16%, tương đương tăng từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD trong năm nay.
Cụ thể, kinh tế số Singapore, bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, đã giảm 24% từ 12 tỷ USD năm 2019 xuống còn 9 tỷ USD vào năm 2020. Đây là quốc gia ASEAN duy nhất được đề cập trong báo cáo có kinh tế số thụt lùi.
Trong khi đó Việt Nam và Indonesia là những quốc gia duy trì mức tăng trưởng hai con số. Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, với nền kinh tế số tăng trưởng 16% từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD trong năm nay. Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, tăng trưởng 11% từ 40 tỷ USD năm 2019 lên 44 tỷ USD trong năm nay.
Báo cáo cũng chỉ ra, số người tham gia các dịch vụ số của Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng 41%, cao hơn trung bình 36% của khu vực.
Đặc biệt, Báo cáo cũng cho rằng Indonesia và Việt Nam sẽ đi đầu nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN vào năm 2025. Kinh tế số Indonesia dự kiến sẽ tăng 23% lên 124 tỷ USD trong 5 năm. Cùng thời điểm đó, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Anh Nguyên, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách CNTT tập đoàn Masan, nếu không có chuyển đổi số, trong 3 năm tới, Masan vẫn có thể duy trì khả năng sản xuất hàng hóa của mình. Tuy nhiên, Masan sẽ không thể cạnh tranh về dịch vụ, đặc biệt là với sự phát triển không ngừng của Amazon, Alibaba, Tencent và nhiều công ty khác. Những “ông lớn” này không những có thể lấn át về khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà thậm chí có thể đánh bại các công ty khác.
“Hãy tin tôi, thời gian để chuyển đổi số diễn ra có thể tính theo ngày. Hãy dám thử và hãy để các doanh nghiệp công nghệ giúp công ty của bạn”, ông Nguyên nói.
Trích dẫn báo cáo của IDC, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành vấn đề sống còn. Trong 10 nhà lãnh đạo, có tới 9 người đã sẵn sàng cho chuyển đổi số. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng công nghệ tham gia thành công vào lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi của kinh tế thế giới.
Ông Trương Gia Bình đưa ra ví dụ “vua tôm” Minh Phú đã bắt tay chuyển đổi số với tham vọng sẽ chinh phục 25% thị phần thế giới từ mức hiện tại là 4%. Đó là ước vọng của người Việt Nam. “Vua gỗ” AAA cũng bắt đầu chiến lược chuyển đổi số để nhanh chóng trở thành một trong hai nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Việc đầu tiên cần làm của một lãnh đạo số là tái tạo lại tổ chức bằng việc đổi mới.
“Con người của doanh nghiệp sẽ làm những việc mới. Trong tương lai, chúng ta phải chỉ huy số bằng những công nghệ số”, ông Trương Gia Bình cho biết.
Bình luận về thời cơ trong chuyển đổi số, Phó tổng giám đốc FPT Software Nguyễn Khải Hoàn nhận định, Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và có rất nhiều cơ hội.
Do đó, các chuyên gia đều cho rằng doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này. Bởi lẽ, 5 năm tới, nếu doanh nghiệp không ứng dụng công nghệ để thay đổi thì cơ hội sẽ biến mất.
Trên thực tế, kinh tế số ở các nước ASEAN hiện nay phát triển rất mạnh, song cơ hội tham gia không được chia đều giữa các doanh nghiệp hay người dân.
Kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD năm 2025.
TS Võ Đình Trí đánh giá, ngay trong từng quốc gia, cơ hội không như nhau cho các nhóm doanh nghiệp. Sẽ có bốn yếu tố lớn quyết định quá trình này gồm, yếu tố thứ nhất là hạ tầng. Bên cạnh hạ tầng viễn thông, độ phủ sóng mạng điện thoại di động, công nghệ sử dụng 3G hay 4G, còn có hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng miền, hệ thống logistics. Đây là một rào cản tham gia vào thương mại điện tử của các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
Yếu tố thứ hai là khả năng tiếp cận dịch vụ công nghệ thông tin để tham gia vào kinh tế số hóa. Mặc dù giá cả các thiết bị điện công nghệ tử có xu hướng ngày giảm, nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong thu nhập của người dân hay doanh nghiệp. Lấy ví dụ như một tài xế xe ôm công nghệ, đầu tư một điện thoại thông minh có chất lượng tương đối để phục vụ công việc cũng là một khoản đầu tư đáng kể.
Yếu tố thứ ba là sự chủ động tham gia vào kinh tế số của doanh nghiệp và người dân. Nhiều nghiên cứu và khảo sát đã cho thấy sự sẵn sàng về kiến thức và kỹ năng còn rất hạn chế ở các nước ASEAN, nhất là ở những quốc gia có quy mô dân số lớn. Sự hạn chế này một phần là do các rào cản khách quan trong việc tiếp cận, nhưng cũng một phần do chủ quan không muốn thay đổi thói quen, lối sống, phương thức kinh doanh trước đây.
Yếu tố thứ tư nhưng lại rất quan trọng là các chính sách của chính phủ. Các chính sách như một lực đẩy chủ đạo trong việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào kinh tế số với vai trò cung cấp hạ tầng, không gian giao dịch, giải pháp số. Các chính sách cũng khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng về kinh tế số và thấy được lợi ích khi tham gia.
Có thể bạn quan tâm
09:30, 19/10/2020
05:00, 14/10/2020
04:00, 10/10/2020