Thông tin trên được Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ mười, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, chiều 1/12.
>> TP.HCM: Gần 20.000 tỷ đồng chỉnh trang và phát triển đô thị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và thực hiện chủ đề năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, triển khai đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tuy nhiên, TP.HCM phải đối diện làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh buộc Thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp cách ly y tế nhằm ngăn dịch lây lan trong cộng đồng với mục tiêu bảo về sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết.
Sau gần 5 tháng, toàn hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng với sự hỗ trợ của cả nước, sự đồng cam cộng khổ, chung tay góp sức của toàn thể nhân dân và cộng đồng xã hội, Thành phố đã từng bước kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới”.
“Song chúng ta cũng phải chịu tổn thất không nhỏ về nhiều mặt, nhất là đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn và nhiều người đã không qua khỏi, mặc dù hệ thống điều trị đã cố gắng hết sức”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đề nghị hội nghị phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình, những kinh nghiệm mang tính thực tiễn và khoa học để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với trụ cột là chiến lược y tế.
Nhất là bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, vận hành cơ chế, tổ chức phòng, chống dịch từ Thành phố đến cơ sở. Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực; phát huy vai trò to lớn có tính quyết định của nhân dân.
Bài học về tuân thủ nguyên tắc, chuyên môn y tế và chuẩn bị sẵn sàng chiến lược, kế hoạch, kịch bản, phương tiện, trang thiết bị y tế, vắc xin, thuốc điều trị theo phương châm "5 tại chỗ", chủ động ứng phó kiph thời với mọi tình huống dịch bệnh.
>> TP.HCM đề xuất nhiều chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế
Đối với nhóm các vấn đề kinh tế - xã hội, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, quý I/2021 tình hình kinh tế xã hội của Thành phố phát triển khá đồng đều, đến 6 tháng đầu năm thì chững lại và đến cuối năm thì sụt giảm nghiêm trọng.
“Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử của Thành phố từ giai đoạn Đổi mới, kinh tế Thành phố tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Theo dự toán, năm nay TP.HCM có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu, còn 2/29 chỉ tiêu đến cuối năm mới có thể đánh giá. Tuy nhiên, trong khó khăn, kinh tế TP.HCM cũng có điểm sáng đó là kim ngạch xuất khẩu tăng 2,8%, nhập nhẩu tăng 24,9%, tổng thu ngân sách Nhà nước có thể phấn đấu đến cuối năm đạt 100% chỉ tiêu.
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu, chủ đề của năm 2022 có thể là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư".
Hội nghị sẽ cho ý kiến về 7 nhóm giải pháp, với 21 nhiệm vụ thể trong năm 2022; bổ sung giải pháp để tạo đột phá ngay và tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sống người lao động, bảo đảm thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19.
Đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2025, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, đây là một chương trình đầy quyết tâm trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch COVID-19. TP.HCM đưa ra 2 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2022 và từ năm 2023-2025 và đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó chú trọng vào huy động nguồn lực và cơ chế phân cấp, phân quyền.
Về nhóm vấn đề công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận, Bí thư Nguyển Văn Nên yêu cầu các đại biểu nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến. Trước hết là về chủ đề năm của công tác xây dựng Đảng: “Ðẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.
Đề xuất các giải pháp, biện pháp, cách làm sáng tạo và hiệu quả nhất để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong toàn Đảng bộ; đổi mới thực sự công tác dân vận, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Học sinh lớp 1,9,12 sẽ học trực tiếp từ ngày 13/12
16:13, 01/12/2021
TP.HCM đề xuất nhiều chính sách nhằm giữ chân nhân viên y tế
12:15, 01/12/2021
TP.HCM: F0 cách ly tại nhà được chọn bác sĩ tư điều trị?
03:01, 01/12/2021
TP.HCM: Tăng cường quản lý F0 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
16:55, 29/11/2021
TP.HCM: Gần 20.000 tỷ đồng chỉnh trang và phát triển đô thị
10:56, 26/11/2021
Đề xuất bố trí ngân sách Trung ương thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
01:00, 25/11/2021
TP.HCM: 6 chiến lược lớn kiểm soát dịch COVID-19
00:09, 25/11/2021