Kết thúc năm 2024, TP HCM đã khẳng định vị thế là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại lớn nhất của cả nước, sẵn sàng bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Mặc dù năm 2024 được nhận định là một năm tiếp tục khó khăn đối với Việt Nam do ảnh hưởng lớn từ tác động, rủi ro địa chính trị và bất ổn chính sách kinh tế thế giới. Thế nhưng, với TP HCM, năm 2024 lại là điểm sáng, tạo nhiều đột phá với những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, ngoài mong đợi. Song, điều quan trọng hơn cả chính là TP HCM đã khẳng định vị thế là đầu tàu, trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất của cả nước, và điều này được thể hiện ở những con số biết nói, như: GRDP tăng 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng; tạo đà, phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025.
Hiện hiện thực hoá Nghị quyết 98
Có thể nói, để đạt được những kết quả trên TP HCM đã và đang triển khai, thực hiện thành công Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Cụ thể, năm 2024, TP HCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế khi tăng trưởng GRDP ước đạt 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng (ước đạt 502.000 tỷ đồng), tăng 12% so với năm 2023, chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước. Trong đó, những kết quả đạt được là nhờ áp dụng Nghị quyết 98 đã tạo cho TP HCM thêm sức bật, sẵn sàng bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Đáng chú ý, trong Nghị quyết 98 có 44 cơ chế đặc thù, đến nay đã có 30 cơ chế đã áp dụng, 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do có quy định mới, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng, 7 cơ chế TP HCM đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, ở lĩnh vực quản lý đầu tư, TP HCM đã bố trí vốn đầu tư công 3.794 tỉ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; ban hành danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; thông qua 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Với nhóm cơ chế về tài chính, ngân sách, địa phương bố trí 1.500 tỉ đồng vốn đầu tư công hỗ trợ lãi suất các dự án được Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên; chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỉ đồng; hỗ trợ tỉnh Điện Biên 75 tỉ đồng thực hiện một số công trình.
Ở lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ, 5 đơn vị đăng ký chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, 2 dự án bổ sung mục tiêu đốt rác phát điện. Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đến nay có 48 hồ sơ đăng ký hợp lệ, trong đó hội đồng tư vấn tuyển chọn được 21 hồ sơ và bước đầu hỗ trợ cho 15 hồ sơ.
Đặc biệt, việc triển khai 9/10 cơ chế theo Nghị quyết 98 về tổ chức bộ máy chính quyền của TP HCM, đã giúp địa phương giải quyết nhanh hồ sơ của người dân và doanh nghiệp.
Đột phá cho các dự án đầu tư công
Liên tiếp trong những ngày cuối năm, nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn TP HCM được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện và đưa dự án vào vận hành phục vụ người dân nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo đà cho năm 2025.
Cụ thể, ngày 22/12/2024, TP HCM chính thức tổ chức lễ công bố vận hành tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), sau 16 năm khởi công. Dự án có tổng chiều 19,7 km, gồm 14 nhà ga, tuyến metro không chỉ là phương tiện giao thông hiện đại mà còn mang lại nhiều tác động tích cực đến sự phát triển đô thị, kinh tế và xã hội của TP HCM. Đây là tuyến metro đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng công nghệ tiên tiến, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm khí thải, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị TP.
Đối với các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, trong 2 ngày 29 - 30/12/2024, TP HCM đã đưa vào phục vụ người dân 04 công trình giao thông, gồm: dự án cầu Phước Long (Quận 7 - huyện Nhà Bè); Hầm chui HC1 (nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ) và đường song hành Quốc lộ 50, (đoạn từ đường Trịnh Quang Nghị đến Ngã 3 đường song hành và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); công trình nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý trên địa bàn Quận Bình Tân cũng đã hoàn thành 100% khối lượng công trình, chính thức thông xe phục vụ người dân Thành phố.
Việc thông xe, đưa các công trình cầu Phước Long, Hầm chui HC1, đường song hành Quốc lộ 50 giai đoạn 1 vào phục vụ người dân Thành phố, cùng với việc thông xe cầu Rạch Đỉa vào tháng 11 năm 2024 và Hầm HC2 vào tháng 10 năm 2024 vừa qua đã góp phần tăng cường kết nối giao thông giữa Quận 7 và Huyện Nhà Bè, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực phía Nam Thành phố, tạo đà cho việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Những sự kiện nổi bật
Về các sự kiện nổi bật, ngày từ những ngày đầu năm 2024, TP HCM thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, đặt nền móng cho một đô thị số hiện đại. Với chức năng, Trung tâm sẽ triển khai các nền tảng số dùng chung, như bản đồ số TP, lưu trữ tài liệu điện tử, và các công cụ hỗ trợ quản lý khu phố, ấp. Đồng thời, trung tâm phát triển ứng dụng “Công dân TP.HCM” và hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ công, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và hiện đại hóa hệ thống quản lý.
Ngày 23 đến 25/9/2024, TP HCM tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024 với chủ đề: “Chuyển đổi công nghiệp - Động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM”. Đây là sự kiện thực sự ý nghĩa với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và đại diện từ 25 quốc gia với 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế. Diễn đàn tập trung thảo luận các xu hướng công nghệ mới, chiến lược phát triển công nghiệp xanh và các giải pháp đổi mới sáng tạo đã mở ra cơ hội để doanh nghiệp, địa phương trao đổi trực tiếp về các thách thức và đề xuất giải pháp phát triển bền vững.
Ngày 25/9/2024, TP HCM chính thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trung tâm C4IR tại TP HCM được đặt tại Khu Công nghệ cao TP HCM và là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đây là trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF.
Sự kiện được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương nỗ lực tích cực của lãnh đạo TPHCM cũng như lãnh đạo WEF, đặc biệt là GS Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập WEF, các doanh nghiệp sáng lập, các đối tác quốc tế, các tổ chức và cá nhân đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm C4IR tại TPHCM. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao Trung tâm C4IR tại TPHCM được thành lập trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023 - 2026 và là kết quả của mối quan hệ ngày một phát triển giữa Việt Nam và WEF, trên tinh thần thiết thực, hiệu quả, phù hợp xu thế thời đại và điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Đây là kết quả của nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống Chính trị, doanh nghiệp và người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Mục tiêu phấn đấu năm 2025
Đặc biệt, trong năm 2025, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%, thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng nền tảng vững chắc, sẵn sàng bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Cụ thể, năm 2025, TP HCM sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm với kết quả cao nhất, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%. Bên cạnh đó, TP sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2025, đồng thời tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo Trung ương. Trong đó, rà soát, đổi mới thể chế, sàng lọc đội ngũ và củng cố hiệu quả quản lý để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đặc biệt, TP HCM sẽ tập trung huy động các nguồn lực, triển khai chủ trương xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật danh mục các dự án kêu gọi đầu tư để thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Các chương trình, đề án và dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên triển khai, bao gồm: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu dự án đường ven biển; Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; các Dự án Vành đai 2, 3, 4; Chương trình phát triển Trung tâm Logistics; Đề án chống ngập và xử lý nước thải; Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030.