Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thế giới "lãnh đủ"

Cẩm Anh 05/10/2019 06:39

Làn đầu tên trong nhiều thập kỷ, thế giới đang chứng kiến việc nền kinh tế của Trung Quốc giảm tốc gây ra những tác động tiêu cực trên toàn cầu.

Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới

Sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm ngoái có 34 quốc gia và khu vực coi Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn nhất. Từ 13 quốc gia năm 2007, con số đã tăng gần gấp 3 sau hơn 10 năm, xấp xỉ con số 36 quốc gia và khu vực xếp Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất.

Báo cáo của McKinsey Global Institute cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ hàng hóa của Nam Phi được xuất khẩu tới Trung Quốc tăng từ 2% vào giữa những năm 2000 lên 15% hiện nay. Báo cáo này dẫn số liệu của Liên Hợp quốc cho thấy, 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Cộng hòa Dân chủ Congo là tới Trung Quốc. Thêm vào đó, các nền kinh tế mới nổi đang ngày càng phụ thuộc vào đầu tư của Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Cục diện thế giới (Kỳ II): Các nước nhỏ cần làm gì?

    Cục diện thế giới (Kỳ II): Các nước nhỏ cần làm gì?

    07:04, 15/09/2019

  • Cục diện thế giới (Kỳ I): Bùng nổ xung đột thương mại

    Cục diện thế giới (Kỳ I): Bùng nổ xung đột thương mại

    13:00, 12/09/2019

  • Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc”

    Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc”

    12:09, 25/08/2019

  • Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc

    Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc" (Bài 2)

    06:00, 21/08/2019

  • Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc” (Bài 1)

    Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc” (Bài 1)

    06:00, 20/08/2019

Các nước cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy của Trung Quốc, từ đồng của Chile đến than của Indonesia, đặc biệt dễ tổn thương trước sự giảm tốc của kinh tế nước này. Bên cạnh đó, trong trường hợp kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng", kinh tế Australia sẽ mất 140 tỷ AUD (98 tỷ USD), tương đương 7% thu nhập quốc gia và 550.000 việc làm.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã khiến Mỹ giảm ảnh hưởng ở nhiều quốc gia và khu vực, trong khi việc Trung Quốc giới thiệu các biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ đã làm tăng sự hiện diện của Bắc Kinh. Cùng với Nhật Bản, các nền kinh tế mới nổi cũng thay đổi điểm đến xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc.

Tận dụng cơ hội này, Trung Quốc xây dựng sự tăng trưởng kinh tế bằng việc xuất khẩu máy móc và các thiết bị giá rẻ. Đồng thời, chi tiêu của chính phủ dành cho các doanh nghiệp nhà nước đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này phát triển các thành phố xung quanh các nhà máy này để thu hút công nhân. Kết quả là việc đầu tư hàng tỷ USD xây dựng đường sắt và cơ sở hạ tầng đã biến quốc gia này thành công xưởng thế giới khi các doanh nghiệp từ mọi khu vực trên thế giới đổ đến hàng nghìn nhà máy với nhân công rẻ và giá thành cạnh tranh.

Do đó, khó có thể tìm thấy quốc gia nào như Trung Quốc xuất khẩu đủ loại thiết bị điện và các loại máy móc từ các linh kiện nhỏ trong máy tính đến hàng may mặc, giày dép, đồ chơi... Trong số khoảng 200 quốc gia và khu vực trên thế giới, hơn 1/3 coi Trung Quốc là khách hàng chính. 

Sau khi đạt được những tiến bộ về kinh tế, Trung Quốc bắt đầu bành trướng tầm ảnh hưởng trong khu vực châu Á và nhanh chóng mở rộng toàn cầu. Trung Quốc phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia châu Phi bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đổi lấy dầu. Song song với đó, Trung Quốc thông qua các thỏa thuận thương mại với các quốc gia Đông Nam Á và nhiều nước Mỹ Latinh để thiết lập quan hệ vững chắc.

Do vậy, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang xấu đi, các quốc gia và khu vực này sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo nhà kinh tế tại Đại học Syracuse, Mary Lovely, nhu cầu của Trung Quốc tăng chậm hơn có thể làm giảm doanh thu, lợi nhuận và giá trị thị trường của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, với quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính, sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực.

Thậm chí, việc người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu thận trọng hơn cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Ernan Cui, nhà phân tích người tiêu dùng tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với nhà cửa, xe hơi và iPhone đã thúc đẩy sự phát triển toàn cầu và mang lại phần lớn doanh thu cho các công ty như Apple và General Electric.

"Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã làm chi phí sinh hoạt đang tăng lên và tăng trưởng tiền lương chậm lại dẫn đến việc người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu tiết kiệm hơn, kéo theo doanh thu của các công ty sẽ giảm mạnh. Đáng buồn là xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong những tháng tới", ông nhận định.

Không thể phủ nhận, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư quốc tế có thể hạn chế một số tác động của sự chậm lại trong nền kinh tế Trung Quốc bằng cách thực hiện các biện pháp nhằm tái cân bằng danh mục đầu tư như đa dạng hóa thị trường.

Mặc dù vậy, sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đòi hỏi các cường quốc trên toàn cầu hành động mạnh mẽ hơn, đặc biệt là Mỹ. Thay vì khơi mào các cuộc xung đột với các đồng minh, Mỹ nên thực hiện đúng vai trò là quốc gia "đầu tàu" và đưa nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thế giới "lãnh đủ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO