Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải bài toán, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ngày 12/9, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với VCCI, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD - VCCI), Ngân hàng Thế giới và các Bộ ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019.
Trước thềm hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI đã dành cho DĐDN cuộc PV xung quanh nội dung này.
Ông Vinh cho biết, Hội nghị năm nay có chủ đề: “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”. Đây là chủ đề có ý nghĩa để các đại biểu thảo luận những vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh 10 năm tới (2020 – 2030) được coi là nước rút để Việt Nam hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững - VSDG bao gồm 115 các chỉ tiêu cụ thể trong nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, những kiến nghị từ Hội nghị được kì vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, với tầm nhìn và chính sách mới, để đưa đất nước bước vào một thập niên phát triển bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
16:25, 25/07/2019
11:30, 19/07/2019
19:16, 22/06/2019
11:30, 26/04/2019
00:17, 18/04/2019
- Thưa ông, với việc lựa chọn chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, đâu là những vấn đề trọng tâm của Hội nghị năm nay, thưa ông?
Các bộ, ngành và các đại biểu sẽ cùng thảo luận về phát triển kinh tế xã hội, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong những năm tới, chuyển đổi số, cách sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, liên quan đến vấn đề kinh tế tuần hoàn… Đặc biệt, năm nay BTC có những hội thảo chuyên đề về 3 vấn đề trọng tâm là: Kinh tế tuần hoàn; Hợp tác công tư để phát triển bền vững; Phát triển nguồn vốn con người.
Đồng thời, các đại diện Bộ, ngành đưa ra kế hoạch phát triển bền vững của Việt Nam, Việt Nam sẽ tăng tốc và đột phá như thế nào trong kỉ nguyên số… Hay về gia tăng ảnh hưởng về mặt xã hội của doanh nghiệp thông qua việc sáng tạo những mô hình kinh doanh bền vững, sử dụng khoa học công nghệ đem đến sinh kế cải thiện cuộc sống cho người dân, qua đó cũng cải thiện năng lực cạnh tranh, quản trị, cũng như nâng cao năng suất của doanh nghiệp.
- Việc lựa chọn 3 mục tiêu rõ ràng như vậy để thảo luận chắc hẳn đó là những vấn đề trọng tâm của PTBV trong những năm tới, thưa ông?
Có thể nói, cả 17 mục tiêu phát triển bền vững và những mục tiêu nằm trong nội dung VSDG đều rất quan trọng. Nhưng năm nay, Hội nghị cần tập trung bàn thảo các vấn đề “nóng” nhất. Chẳng hạn, Kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải bài toán, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Đó cũng là hướng đi tôi nghĩ rằng ngày nay các doanh nghiệp trên thế giới đang hướng đến và một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã sớm nắm bắt. Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. Đó là vai trò doanh nghiệp thể hiện trong việc chung tay cùng với các cơ quan chính phủ để phát triển bền vững.
Hay với vấn đề hợp tác công tư, quản trị nguồn nhân lực… Con người luôn là trung tâm của sự phát triển. Chính vì vậy, Liên Hợp Quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững – Chương trình Nghị sự 2030 với chủ đề không một ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng chúng ta quản lý như thế nào, xây dựng nguồn nhân lực ra sao để nguồn nhân lực đó đáp ứng với kỉ nguyên mới, kỉ nguyên mà khi Việt Nam bước vào thập kỉ mới bứt phá về mặt kinh tế. Và chúng ta có thể tham vọng trở thành một cường quốc về mặt kinh tế thì vai trò trung tâm vẫn là con người.
VBCSD - VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị hành trang tốt, “vũ khí” tốt, công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn thành công.
- Thưa ông, vấn đề kinh tế tuần hoàn gần đây đang nổi lên như một trong những giải pháp để phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thực tại vẫn có mặt thách thức, như pháp lý chưa thực sự tạo điều kiện phát triển?
Đúng là còn nhiều thách thức trong câu chuyện này! Nhưng theo tôi, trước hết để triển khai kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp cần phải có hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, được hỗ trợ để triển khai mô hình kinh tế này. Hiện tại chúng ta chưa có luật nào cụ thể và chuyên biệt về kinh tế tuần hoàn.
Ở Việt Nam, từ năm 2016, VBCSD đã khởi xướng chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, triển khai nền kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đi từ việc nâng cao nhận thức cho đến việc hỗ trợ triển khai.
Chúng tôi mong muốn các đại biểu, các doanh nghiệp và các cơ quan bộ ngành chức năng thảo luận về vấn đề này, để chúng ta có một môi trường kinh doanh, hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn.
- Vậy VCCI và VBCSD có kiến nghị gì để việc áp dụng kinh tế tuần hoàn được phổ biến hơn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Một trong những kiến nghị đầu tiên của chúng tôi là tiến tới cần xây dựng một Bộ luật về nền kinh tế tuần hoàn, trước mắt cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, thách thức trong câu chuyện này cũng đang ở ngay trong chính doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị hành trang tốt, “vũ khí” tốt, công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn thành công.
Trong thời gian tới, Hội đồng sẽ phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới và Bộ TN&MT cùng các cơ quan Chính phủ để triển khai Chương trình quốc gia về xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam. Và một dự án quan trọng khác mà VBCSD và VCCI đang bàn bạc là thành lập Liên minh chống rác thải nhựa.
Các dự án đó đều hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về xử lý chất thải nhựa. Đây là những ví dụ điển hình mà không chỉ các doanh nghiệp lớn mà đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, thậm chí những doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng trong chuỗi giá trị của những doanh nghiệp lớn đang bước đầu nhận thức và áp dụng triển khai.
Cuối cùng, theo tôi, muốn kinh tế tuần hoàn có thể “cất cánh” tại Việt Nam thì cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan tổ chức quốc tế, đặc biệt động lực chính là từ các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích từ mô hình này, doanh nghiệp sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai.
- Xin cảm ơn ông!
Bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng Giám đốc SASCO PTBV là lợi thế cạnh tranh: Phát triển bền vững đã trở thành xu thế phát triển tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Công ty SASCO kiên định theo định hướng phát triển bền vững và tập trung vào một số mục tiêu phát triển bền vững trọng tâm, hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp với cộng đồng xã hội. Chúng tôi xác định, phát triển của doanh nghiệp phải bền vững và bền vững hài hòa trong dài hạn của doanh nghiệp. Mỗi người lao động tại SASCO được gắn bó dài hạn và phát triển cùng Công ty. 26 năm hình thành và phát triển, SASCO liên tục tăng trưởng và góp phần tích cực đổi mới diện mạo, chất lượng ngành dịch vụ sân bay tại Việt Nam. Thể hiện rõ trách nhiệm xã hội với những nỗ lực không ngừng, tham gia hỗ trợ phát triển cộng đồng xóa đói, giảm nghèo, tiên phong thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại thị trường Việt Nam, Coca-Cola thực hiện các chương trình dựa trên mối quan hệ đối tác công tư, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội để thực hiện nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, đem đến thay đổi tích cực cho người dân Việt Nam. Gần đây nhất, Coca-Cola cùng tám công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã tiên phong sáng lập nên PRO Vietnam, đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam các doanh nghiệp có mối quan hệ cạnh tranh bắt tay hợp tác và cùng nhau nỗ lực cải thiện môi trường Việt Nam. PRO Vietnam cũng hợp tác với Chính Phủ trong khía cạnh “Recycle - Tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng and Recycle - Tái chế) thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện độc đáo nhằm cải thiện điều kiện sinh kế và tạo việc làm cho các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bao bì sau tiêu dùng. Bên cạnh đó PRO Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường Đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội để thực hiện nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, đem đến thay đổi tích cực cho người dân Việt Nam… |