Nhà đầu tư cần tiếp cận đầu tư một cách hệ thống, bài bản, quan tâm đến các vấn đề kinh tế về mặt tổng quan, lĩnh vực ngành, sau đó đến các vấn đề nội tại của doanh nghiệp đã lựa chọn...
Hiểu đúng về vĩ mô
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI, việc nắm được diễn biến kinh tế vĩ mô luôn là điều cần thiết với các nhà đầu tư tài chính, ngay cả với các nhà đầu tư ngắn hạn. Điều này giúp các nhà đầu tư biết được mình đang trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế tăng hay giảm, triển vọng sắp tới ra sao, để xây dựng được vị thế trong kế hoạch đầu tư phù hợp hơn.
Ví dụ hiện nay, Việt Nam đang trong đà hồi phục kinh tế rất tốt, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận từ hoạt động phái sinh, nhưng có thể nó sẽ không kéo dài và luôn luôn phải chuyển trạng thái đầu tư sang xu hướng dài hạn trong thời gian tới. Đến khi tình hình kinh tế thay đổi, nhà đầu tư rơi vào trạng thái thua lỗ mà không hiểu vì sao, cho nên, kinh tế vĩ mô rất cần thiết đối với những người đầu tư tài chính nói chung.
Tuy nhiên, có rất nhiều định kiến đối với các tài liệu về chỉ số kinh tế của Việt Nam, phải kể đến như: Một số nhà đầu tư cá nhân, thậm chí cả tổ chức nước ngoài đều đánh giá số liệu vĩ mô của Việt Nam thường sai, không đúng, rất khó để dùng và không đáng tin cậy. Đây là một định kiến rất lớn mà một trong những lý do họ đưa ra là, Việt Nam là quốc gia duy nhất có số liệu vĩ mô công bố vào thời điểm cuối tháng, khi thời gian thống kê chưa kết thúc thì Việt Nam đã có.
Nhưng thực tế, số liệu vĩ mô ở nước nào cũng giống nhau, số liệu ban đầu là ước tính, sau đó tới số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê và một tháng sau sẽ có số cập nhật chính thức. Chính vì vậy, phải theo dõi các số liệu rất kỹ từ ước tính, cập nhật đến số liệu cuối cùng và những số liệu này phục vụ khá tốt cho đầu tư tài chính.
“Định kiến thứ hai, đó là cứ cái gì báo chí nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài nói về Việt Nam, thì mọi ngườithường tin ngay.Nhưngđiều đó không hoàn toàn đúng, để hiểu được những vấn đề liên quan đến Việt Nam và kinh tế Việt Nam thì điều quan trọng nhất không phải là kiến thức, mà chính là biết được tiếng Việt.
Những người không có khả năng đọc được tiếng Việt sẽ rất khó hiểu được những vấn đề phát sinh ở Việt Nam, những quy định chính sách được công bố. Khi đó mới thấy, các báo cáo cập nhật của nước ngoài chỉ mang tính chất tham khảo và họ có quan điểm riêng, thế giới quan riêng, thậm chí không phù hợp với tình hình thực tế phát triển của Việt Nam”, ông Hưng nói.
Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Lê Quý Hải, Phó giám đốc Đầu tư công ty Quản lý Quỹ SSI nhận định, khi thị trường đang trong chu kỳ tăng điểm, thường các nhà đầu tư sẽ bỏ qua yếu tố vĩ mô và nghĩ rằng, cổ phiếu đang có lãi là do kết quả của việc lựa chọn được những cổ phiếu tốt. Nhưng đến một ngày, khi thị trường xuất hiện điều chỉnh giảm điểm, lúc đó mọi sự quan tâm lại đổ dồn vào các yếu tố vĩ mô. Chính trong những giai đoạn như thế, mọi người luôn đặt ra câu hỏi phải hành động như thế nào?
“Chúng tôi luôn có khuyến nghị với nhà đầu tư hãy tiếp cận đầu tư một cách hệ thống, bài bản, quan tâm đến các vấn đề kinh tế về mặt tổng quan, lĩnh vực ngành mà chúng ta đang đầu tư. Sau đó, quan tâm thêm về các vấn đề nội tại của doanh nghiệp đã lựa chọn và không nên dồn mối quan tâm từ thái cực này sang thái cực khác một cách đột ngột,bị động”, ông Hải khuyến nghị.
Tác động của chính sách
Vậy giữa "rừng" thông tin chính sách tài khóa đến kinh tế nói chung thì đâu là thông tin mà nhà đầu tư cần quan tâm trong 2021? Ông Phạm Lưu Hưng cho rằng, về chính sách tài khóa của Việt Nam trong năm 2021, không gian chính sách đã tốt hơn nhiều so với năm 2020. Số liệu ở thời điểm này cho thấy, việc thu ngân sách đã đạt được 58% kế hoạch là khá cao, vì mới nửa năm đã tăng so với cùng kỳ năm trước. Cho nên, không ra chính sách tài khóa sẽ cao hơn trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến người dân và doanh nghiệp cũng cao hơn để trợ giúp được doanh nghiệp mạnh hơn. Đơn cử như gói hỗ trợ 26.000 tỷ mới đây sẽ giải ngân nhanh mạnh hơn, mặc dù thấp hơn gói 62.000 tỷ đồng của năm trước, nhưng rõ ràng việc giải ngân của năm 2020 thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, liên quan đến đầu tư công, giải ngân nửa đầu năm khá thấp chỉ được 29% theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhưng Chính phủ đã có Nghị quyết cụ thể, trong đó đến cuối quý 3/2021 sẽ giải ngân được 60% kế hoạch.
Về áp lực lạm phát, nếu nhìn vào con số sẽ thấy, nửa đầu năm lạm phát của Việt Nam ở mức 1,47 %, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Và cũng giống như câu chuyện nêu trên, có rất nhiều người không tin, vì rõ ràng trên thế giới như Mỹ, lạm phát tăng cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, thì tại sao số liệu Việt Nam lại thấp.
“Chúng ta cầnnhìn vào rổ hàng hóa của Việt Nam và Mỹ có sự khác nhau, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, còn Mỹ thì đã phát triển rồi.Ở Việt Nam, lương thực thực phẩm chiếm tỷ lệ rất cao, nếu cộng dồn phải đến hơn 36%, cao hơn rất nhiều so với Mỹ. Do đó, mỗi lần có giá biến động lương thực, thực phẩm thì nó sẽ có biến động mạnh hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, không có nghĩa là không phải lo gì về lạm phát, theo quan sát của tôi, Việt Nam có thể xử lý được đại dịch trong quý 3 và có sự mở cửa trở lại nhất định của nền kinh tế trong nước,thì áp lực lên giá cả các mặt hàng như lương thực, thực phẩm sẽ tăng trở lại.Lúc đó, trường học bắt đầu mở cửa, các nhà hàng hoạt động thì áp lực sẽ làm cho nhóm này tăng”, ông Hưng phân tích.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu chịu áp lực lớn hơn do số dư của quỹ bình ổn theo công bố ở mức rất thấp. Vì vậy, áp lực sẽ tăng vì việc sử dụng quỹ bình ổn khó, cho nên áp lực về lạm phát của Việt Nam trong nửa cuối năm có thể cao hơn, nhưng nhìn tổng thể cả năm 2021, mức lạm phát trung bình 12 tháng sẽ vẫn thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra là 4%. Như vậy, không gian của chính sách tiền tệ sẽ vẫn khá rõ ràng và Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể có chính sách hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ mà không phải quá lo về lạm phát bùng phát cao như các nước khác trên thế giới.
Trong hai tuần trở lại đây, phần đông nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đang phải gồng những khoản lỗ của mình, hoặc ít nhất là đã giảm lãi. Vậy cụ thể những yếu tố vĩ mô nào đang ảnh hưởng ở thời điểm này đến thị trường chứng khoán Việt Nam? Ông Lê Quý Hải cho rằng, để nói ngắn gọn về yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường gần đây nhất phải kể đến các nguyên nhân như:
Thứ nhất, tình hình dịch bệnh đang phức tạp ở hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời rấy nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội rất quyết liệt. Điều đó dẫn đến tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, mặc dù các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực hết mình. Đặc biệt, tháng 7-8 là giai đoạn cao điểm của xuất khẩu nhưng lại bị gián đoạn.
Thứ hai, đó là hệ thống ngân hàng thương mại đã phát đi những thông báo hàng loạt, hưởng ứng việc hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất cho vay với mức giảm bình quân từ 0,5 - 1 %, đối với những nhóm doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trực tiếp. Việc giảm lãi suất này về mặt chủ trương là hỗ trợ nền kinh tế, nhưng về góc độ ngân hàng, thì họ đang phải cắt bớt đi phần lợi nhuận của mình để hỗ trợ chung. Như vậy, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng sẽ có những quan ngại nhất định, vì việc cắt giảm này làm bức tranh lợi nhuận ngân hàng bớt lạc quan đi. “Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hầu hết thị trường chứng khoán đều tăng một phần do các quốc gia áp dụng giảm lãi suất. Kênh đầu tư an toàn là tiết kiệm đã không còn sinh lời như trước. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chuyển tiền sang các kênh khác như bất động sản, vàng, chứng khoán. Tuy nhiên, kênh bất động sản đang tăng nóng và bị kiểm soát. Chứng khoán là kênh sinh lời tốt nên dòng tiền đang vào rất là tốt. Thời gian qua thanh khoản thị trường có những phiên trên 30 nghìn tỷ đồng".
Có thể bạn quan tâm
05:15, 15/07/2021
15:52, 12/07/2021
05:30, 04/07/2021
05:30, 20/06/2021