5 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Nhìn vào những con số thống kê có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hưởng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành tạo ra nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định. Hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng đã chứng minh, tại thời điểm 1/5/2021, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với thời điểm tháng 1/4/2021 và 2,4% so với cùng thời điểm năm 2020; ngành sản xuất và phân phối điện không đổi và tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,2%.
Riêng ngành khai khoáng, tại thời điểm trên, số lao động tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước, nhưng so với cùng thời điểm năm trước giảm 0,9%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cũng chỉ rõ, hiện ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam còn không ít hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bà đánh giá, khó khăn nhất để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có lẽ là doanh nghiệp trong nước thiếu nguồn lực, thiếu nguyên liệu đầu vào và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. "Chúng ta nặng về gia công, chế biến, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI", bà Thủy nói.
Về nguyên nhân của sự hạn chế, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, nhóm thứ nhất là xây dựng và bố trí nguồn lực để phát triển công nghiệp trong thời gian qua chưa đầy đủ. Cụ thể như, xây dựng các chiến lược, quy hoạch chính sách chưa phù hợp với thực trạng phát triển nền kinh tế. Các chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp chưa tiếp cận đúng sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhóm nguyên nhân thứ hai được lãnh đạo Cục Công nghiệp chỉ ra là nguồn lực của Nhà nước cho phát triển công nghiệp chưa tương xứng. Việt Nam đang thiếu tập đoàn công nghiệp lớn đủ mạnh để dẫn dắt nền kinh tế...
Dẫu vậy, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” các nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư. Điều này đã được Tổng cục Thống kê chứng minh bằng những con số cụ thể. Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 29,1% tổng số vốn đăng ký cấp mới.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,68 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng số vốn. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 461,3 triệu USD, chiếm 35,3% tổng vốn.
Mặc dù công nghiệp chế biến chế tạo luôn là ngành đứng đầu về thu hút vốn FDI, nhưng theo các chuyên gia, thời gian tới Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận, dựa vào các lợi thế cạnh tranh động (tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo và môi trường tự nhiên và kinh doanh, đầu tư thuận lợi), thay vì các lợi thế cạnh tranh tĩnh, kém bền vững như trước đây (tài nguyên, lao động phổ thông, cơ chế ưu đãi dễ dàng và hấp dẫn).
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 1) Lạm phát và làn sóng COVID-19 mới
04:00, 31/05/2021
Chuyên gia ADB nêu những lưu ý cho nền kinh tế Việt Nam
03:00, 04/05/2021
Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"
13:00, 28/04/2021
Thủ tướng “đối thoại 2045”: Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ
17:51, 06/03/2021