Theo Ngân hàng Thế giới, sự hồi phục nhanh chóng của khu vực kinh tế trong nước và sự vững vàng của kinh tế đối ngoại lý giải khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch COVID-19.
Báo cáo "Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, tháng 12/2020" vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,8% trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4% do phải chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, GDP của Mỹ và EU giảm lần lượt 4,3% và 8,3%, tỷ lệ nghèo trên toàn cầu một lần nữa tăng lên với khoảng 88 triệu – 115 triệu người dự kiến rơi vào cảnh nghèo cực, xoá bỏ đi kết quả phát triển trong hàng thập kỷ qua. Trong khi đó, Việt Nam lại đạt được kết quả trái ngược hoàn toàn, 9 tháng đầu năm nền kinh tế tăng trưởng 2,1%, xuất khẩu vững chắc đạt kết quả ngoài kỳ vọng. Với mức tăng trưởng dự kiến 2,8% Việt Nam là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất năm 2020.
Khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam được lý giải qua các diễn biến của hoạt động kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. “Trong kinh tế đối ngoại, xuất khẩu có kết quả ấn tượng nhất, là động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam. Việt Nam dự kiến có thặng dư xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Cùng với đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho việc nguồn thu ngoại tệ từ du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Cụ thể, sự phục hồi nhanh chóng của khu vực kinh tế trong nước, trong đó, khu vực tư nhân trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt cách ly gần như toàn quốc vào tháng 4 nhưng đã "bật dậy" nhanh chóng sau khi các biện pháp hạn chế từng bước được nới lỏng trong những tháng tiếp theo.
“Cái gọi là phục hồi theo hình chữ V có thể được thể hiện qua diễn biến của sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ, lần lượt giảm khoảng 15% và 21% (so tháng trước) trong tháng 4 và bật tăng trở lại từ tháng 5 trở đi”, Báo cáo của WB nêu rõ.
Đồng thời, đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng làm tăng tính bất định trong thời gian ngắn cho các thành phần kinh tế vào tháng 8, nhưng biện pháp ứng phó nhanh chóng và có mục tiêu của Chính phủ đã làm dịu đi tâm lý quan ngại. Đó cũng chính là lý do lý giải thích tại sao đợt dịch thứ hai chỉ có tác động ở mức tối thiểu đến các hoạt động kinh tế trong nước.
Đến tháng 10, quá trình phục hồi trong nước đã được củng cố, khi cả hai chỉ số đều đạt tốc độ tăng cao nhất (so cùng kỳ năm trước) kể từ khi COVVID-19 bùng phát vào tháng 2, lần lượt ở mức 6,6% và 6,7% (so cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng trưởng như vậy gần bằng các mức quan sát được trước khi có khủng hoảng COVID-19.
Cùng với đó, WB đánh giá, phản ứng của khu vực kinh tế trong nước chủ yếu nhờ việc kiểm soát dịch bệnh thành công, qua đó tạo điều kiện cho chính quyền từng bước gỡ bỏ những biện pháp hạn chế đi lại.
Nhìn chung, mối quan hệ chặt chẽ, thuận chiều giữa hoạt động kinh tế và đi lại diễn ra ở Việt Nam cũng sống như ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. “Việt Nam là ngoại lệ, không phải trong mối quan hệ trên mà về khả năng gỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong thời gian dài hơn, kể cả trong đợt dịch bùng phát lần hai vào tháng 8. Thành công đó chắc chắn đã nâng cao lòng tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, qua đó dần đẩy mạnh nhu cầu trong nước, dẫn đến sản lượng sản xuất và doanh số bán lẻ tăng lên”, WB đánh giá.
Sự vững vàng của khu vực kinh tế đối ngoại
Bên cạnh kinh tế trong nước, kinh tế đối ngoại là động lực tăng trưởng cuả nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua cũng đã đạt thành tích ngoạn mục trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19.
Theo WB: “Nếu nhản ứng của khu vực kinh tế trong nước với các biện pháp nới lỏng được cho là tương đồng với kinh nghiệm quốc tế, thì sự vững vàng của khu vực kinh tế đối ngoại ở Việt Nam nằm ngoài kỳ vọng”.
Cụ thể, vào đầu giai đoạn khủng hoảng, khu vực kinh tế đối ngoại được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái toàn cầu, đóng cửa biên giới giữa các quốc gia, và sự cải tổ lại các chuỗi giá trị toàn cầu vốn có vẻ quá tập trung ở Trung Quốc, bao gồm cả với những sản phẩm thuốc và dược phẩm chính yếu. Xét cho cùng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, với tỷ lệ thương mại hàng hóa trên GDP lên đến gần 200%, và mối quan hệ thương mại và tài chính song phương đã có từ lâu với Trung Quốc.
“Điều không ngờ là Việt Nam dự kiến đạt thặng dư tài khoản vãng lại trong năm 2020. Việt Nam đang ghi nhận kỷ lục về thặng dư thương mại hàng hóa và tích lũy được gần 100 tỷ đô-la Mỹ dự trữ ngoại hối”, Báo cáo WB nêu rõ.
Đặc biệt, theo WB, trong kinh tế đối ngoại, kết quả ấn tượng nhất là xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù kết quả trên vẫn thấp hơn so với kết quả mà Việt Nam ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng lại đạt được trong bối cảnh dòng lưu chuyển thương mại toàn cầu dự kiến giảm khoảng 10%, theo ước tính mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Kết quả tổng thể về xuất khẩu có được nhờ những yếu tố sau:
Một là kim ngạch thương mại theo đối tác có sự khác biệt đáng kể trong 10 tháng đầu năm. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng mạnh - tăng trên 20% (so cùng kỳ năm trước) trong 10 tháng đầu năm. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng nhưng lại giảm ở EU, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc và Nhật Bản. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh tiếp đà kết quả xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam, và phần nào do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, dẫn đến hiện tượng chuyển hướng thương mại mà Việt Nam đang được hưởng lợi.
Hai là mặc dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giá trị thấp (dệt may, giày da) và sản phẩm nông nghiệp giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo giá trị cao hơn (máy tính và hàng điện tử) lại tăng vững chắc trong khủng hoảng cOVID-19.
Cuối cùng, tuy các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu cao hơn khoảng gấp đôi so với các doanh nghiệp trong nước, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng lần này, các doanh nghiệp trong nước tỏ ra năng động hơn, qua đó cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn với cú sốc. Khả năng chống chịu đó bắt nguồn từ kết nối cung ứng nội địa của các doanh nghiệp trong nước, cho phép họ linh hoạt hơn trong tìm kiếm nguồn đầu tư vào thị trường nội địa, trong khi các doanh nghiệp FDI phải dựa nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nói cách khác, Việt Nam đã và đang có khả năng tăng thị phần thương mại toàn cầu trong khi các nước khác đang gặp khó khăn. Diễn biến tích cực trên có được một phần nhờ khả năng kiểm soát tốt khủng hoảng y tế. Nhờ mở lại các nhà máy sớm hơn so với các quốc gia khác, Việt Nam khuyến khích các nhà xuất khẩu dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Pa-lít-xtan.
Cùng với đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào mạnh mẽ là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, đồng thời củng cố tài khoản vốn.
Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 23,5 tỷ vốn FDI, tuy thấp hơn 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là thành tựu đáng chú ý khi đặt trong điều kiện tổ chức Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI vào khu vực Đông Á sẽ giảm từ 30 đến 45% trong năm 2020.
Trong khi vốn đăng ký mới tiếp tục chiếm phần lớn FDI, động lực thu hút hoạt động góp vốn và mua cổ phần, đặc trưng của dòng vốn FDI trong các năm 2018-2019, dường như đã yếu đi, chủ yếu do dòng vốn tháo chạy vào nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm khủng hoảng, nhưng cũng do tác động của khủng hoảng đến các mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu.
(Kỳ II): Khởi động quá trình phục hồi thông qua chuyển hướng chính sách tiền tệ, tài khoá
Có thể bạn quan tâm
Bốn yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
11:00, 09/11/2020
Kinh tế Việt Nam bắt đầu làm quen với tầm cấp mới
10:40, 26/10/2020
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ "V" từ mức đáy quý 2/2020
03:30, 23/10/2020
Standard Chartered dự báo khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam
01:30, 21/10/2020