Sự sụt giảm số lượng kỳ lân startup ở Thung lũng Silicon gần đây chính là dấu hiệu cho thấy lĩnh vực công nghệ khó tăng trưởng như trước.
>>Startup ngày một nhiều, nhưng Kỳ lân ngày một giảm
Các nhà đầu tư đần tỉnh táo hơn, cắt vốn cho đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ. Ảnh: TechCrunch.
Đối thủ đáng gờm của Instagram, mạng xã hội chia sẻ ảnh đình đám BeReal, gần đây đã kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Nhưng báo cáo mới nhất đã chỉ ra các nhà đầu tư định giá công ty chỉ có 600 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với hàng loạt kỳ lân công nghệ trị giá hơn 1 tỷ USD trước đây.
Thực tế oái ăm BeReal phải đối mặt chính là những gì đang xảy ra ở Thung lũng Silicon gần đây.
Washington Post cho biết tình trạng cắt giảm nhân sự, giám đốc từ chức và thắt lưng buộc bụng đã khiến các kỳ lân công nghệ đi xuống. Chỉ có 25 công ty được các nhà đầu tư định giá trên 1 tỷ USD vào quý III/2022, theo công ty phân tích CB Insights.
Trong khi đó, một năm trước, con số này cao gấp 5 lần. Sự sụt giảm này chính là đòn cảnh tỉnh cho một thị trường bị mờ mắt bởi những lời hứa đao to búa lớn nhưng cuối cùng lại thất bại, các nhà đầu tư cho biết. “Điều này sẽ loại bỏ những CEO hữu danh vô thực, tham gia startup chỉ vì tiền và danh tiếng”, Paige Craig, nhà đầu tư mạo hiểm tại Outlander VC, khẳng định.
Tuy nhiên, sự biến mất của các kỳ lân công nghệ đã làm thui chột đột phá sáng tạo, giảm tính cạnh tranh và hoàn toàn bị chi phối bởi Big Tech như Apple, Google, Facebook hay Amazon.
Những nhà đầu tư sừng sỏ một thời như Andreessen Horowitz cũng phải cắt giảm các khoản đầu tư của mình.
Theo công ty phân tích PitchBook Data, trong quý III/2022, số quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia vào startup cần vốn cho giai đoạn sau (late-stage) đã giảm 50% so với quý trước. Nhiều quỹ còn phải vật lộn để sống sót trên thị trường thay vì mạnh tay đầu tư như trước đây.
Theo Washington Post, thuật ngữ “kỳ lân” xuất hiện từ năm 2013 để chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ USD. Từ này cũng ám chỉ những startup đạt được cột mốc này là rất hiếm. Các nhà đầu tư đổ tiền vào với niềm tin rằng những công ty này sẽ có tiềm năng phát triển, mang về số lợi nhuận khủng trong tương lai.
Trên thực tế, rất nhiều công ty đã không đạt được mức kỳ vọng cao này. Đơn cử như công ty cho thuê không gian văn phòng WeWork, từng được định giá 49 tỷ USD nhưng giá trị trên thị trường chứng khoán hiện nay chỉ đạt 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, hãng xét nghiệm máu Theranos của “siêu lừa” Elizabeth Holmes cũng từng đạt đến đỉnh cao khi được định giá 10 tỷ USD trước khi sụp đổ.
Đến năm nay, khi lãi suất tăng cao, lạm phát đạt đỉnh, các nhà đầu tư lớn cũng bắt đầu rời thị trường đầu tư mạo hiểm để tìm đến những hình thức ít rủi ro và có lợi nhuận lâu dài hơn, nhà phân tích Kyle Stanford của PitchBook Data nhận định. “Hiện không đủ vốn đầu tư để tạo ra kỳ lân startup mới”, chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, những kỳ lân hiện tại cũng đang vật lộn với thị trường bấp bênh, phải cắt giảm nhân sự hay bán tháo cổ phiếu. Brex, công ty tài chính công nghệ, từng kêu gọi vốn hồi tháng 1 và được định giá 12 tỷ USD nhưng đã sa thải 11% nhân viên trong tháng 10 vừa qua. Trong khi đó, BlockFi được sàn tiền số FTX mua lại, cũng được định giá từ 4,5 tỷ USD giờ chỉ còn 240 triệu USD.
Hậu quả là khách hàng phải gồng gánh mức giá tăng đến không tưởng. Theo Washington Post, trước đó, các startup công nghệ thường đánh mạnh vào giá dịch vụ rẻ để phát triển nhanh.
Dù họ có tăng giá, những công ty khởi nghiệp mới cũng sẽ nhanh chóng thế chỗ với những sản phẩm giá cả phải chăng, bước một chân vào thị trường đông đúc này. Song, thực tế đã thay đổi. Khách hàng sẽ không còn được hưởng mức phí rẻ cho các dịch vụ giao đồ ăn hay được hoàn tiền khi mua sắm trực tuyến như trước đây.
Nhưng bên cạnh sự lụi tàn của một số kỳ lân, vẫn có những doanh nghiệp đi ngược dòng thị trường. Các startup trí tuệ nhân tạo (AI) thu hút rất nhiều sự quan tâm và vốn đầu tư với triển vọng phát triển trong ngành. Stability AI, ứng dụng tạo lập hình ảnh từ văn bản nhờ AI đình đám gần đây, đã gọi được số vốn 100 triệu USD và định giá 1 tỷ USD, theo Bloomberg.
Sebastian Mallaby, tác giả cuốn sách The Power Law viết về sự trỗi dậy của các kỳ lân công nghệ, đã cảnh báo về tình trạng “bong bóng kỳ lân” đã manh nha xuất hiện từ năm 2016 khi các tay chơi mới đầu tư số vốn không tưởng vào các công ty gọi vốn giai đoạn cuối.
Điều này biến những nhà sáng lập startup trở thành “hoàng đế trị vì nắm mọi quyền hành ở công ty” nhưng không chịu bất kỳ sự giám sát nào. Do đó, sự sụt giảm số lượng kỳ lân startup chính là dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng đã kết thúc và “ngai vàng đáng kiêu ngạo của các nhà sáng lập sẽ giết chết họ”, Mallaby cho biết.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí. |
Có thể bạn quan tâm