Tổng thống Trump vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về các mối đe dọa chống lại công nghệ Mỹ trong chiến dịch chống lại Huawei.
Tổng thống Trump vừa ký sắc lệnh hành pháp ngày 15/5 ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới các thiết bị viễn thông có thể gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ. Sắc lệnh này cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông bị Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.
Sắc lệnh viện dẫn Luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, cho phép Tổng thống có thẩm quyền ra quy định thương mại để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ cùng các cơ quan chính phủ khác cần vạch ra kế hoạch thực thi trong vòng 150 ngày.
Có thể bạn quan tâm
17:46, 15/05/2019
07:15, 09/05/2019
16:25, 08/05/2019
03:50, 08/05/2019
Đây được coi là động thái nhằm mở đường cho lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh với Huawei. Quyết định này có nguy cơ leo thang căng thẳng với Trung Quốc khi hai quốc gia đang xung đột về việc liệu Huawei có gây ra rủi ro gián điệp cho các mạng lưới cơ sở hạ tầng phương Tây hay không.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ đưa Huawei và 70 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Lệnh có hiệu lực trong vài ngày tới, Huawei sẽ cần xin giấy phép từ Washington để mua công nghệ Mỹ.
Trước đó, Nhà Trắng đã lên kế hoạch để Tổng thống ký sắc lệnh này trước Hội nghị Di động Thế giới được tổ chức ở Barcelona vừa qua. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị trì hoãn sau khi Tổng thống Trump gia hạn thời hạn đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Theo nhiều nguồn tin, các quan chức Mỹ không muốn sắc lệnh phá vỡ các cuộc đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, sau khi việc đàm phán giữa hai bên không đạt được thỏa thuận theo đúng thời hạn Tổng thống Mỹ yêu cầu, Tổng thống Mỹ đã tái khởi động lại sắc lệnh này. Động thái này đã thúc đẩy lập luận của chính quyền Trump về việc các đồng minh của Mỹ không nên để các công ty Trung Quốc xây dựng và vận hành mạng 5G.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết động thái này nhằm "ngăn công nghệ Mỹ được sử dụng bởi các thực thể nước ngoài theo cách có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ".
Ngay sau khi lệnh được ban hành, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức bổ sung Huawei vào danh sách các công ty mà chính phủ Mỹ cho là làm suy yếu lợi ích của đất nước này. Bằng cách thêm Huawei vào danh sách, chính quyền Trump sẽ đảm bảo Huawei sẽ được ngăn chặn theo lệnh điều hành mới.
Mặc dù vậy, sắc lệnh này được cho là làm các nhà mạng không dây nhỏ tại Mỹ lâm vào khó khăn do sự gia tăng chi phí. Nhiều doanh nghiệp viễn thông của Mỹ đã sử dụng thiết bị của Huawei do chi phí thấp hơn so với các đối thủ là Nokia và Ericsson của châu Âu. Hầu hết các nhà mạng lớn đều không sử dụng thiết bị Huawei.
Theo Hiệp hội các nhà mạng không dây nông thôn - đại diện cho các nhà mạng có ít hơn 100.000 thuê bao tại Mỹ đã ước tính rằng 25% thành viên của họ sử dụng các thiết bị Huawei hoặc ZTE. Craig Gates, CEO của Triangle, một doanh nghiệp viễn thông nhỏ đang sử dụng thiết bị Huawei cho biết, các thành viên của Hiệp hội đang thảo luận về việc liệu sẽ có sự trợ giúp của chính quyền liên bang để bù đắp chi phí cho việc tháo gỡ các thiết bị vi phạm hay không.
Mặc dù Huawei chưa đưa ra phản hồi nhưng lệnh cấm này sẽ tác động lớn đến các chính phủ đồng minh của Mỹ, cơ quan quản lý và nhà mạng trên toàn thế giới. Đồng thời, việc ban hành sắc lệnh trong bối cảnh bế tắc tăng cường giữa Washington và Bắc Kinh ngay lập tức thêm mức độ căng thẳng mới giữa hai nước.
Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết dự kiến chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ với lệnh cấm này của Mỹ vì lợi ích của các cuộc đàm phán thương mại và bảo vệ tên tuổi của Huawei.