Chúng tôi có niềm tin, cùng với sự đồng lòng, sự liên kết của toàn ngành Du lịch, chúng ta sẽ có thể tồn tại và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, cùng với sự đồng lòng, sự liên kết của toàn ngành Du lịch, chúng ta sẽ có thể hồi sinh, tồn tại và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Sau hơn hai năm ngưng trệ do dịch Covid-19, năm 2022, du lịch Việt Nam trở lại rất ấn tượng, với 96,3 triệu lượt khách du lịch nội địa sau 11 tháng, vượt xa mọi dự báo. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2023 và vài năm tiếp theo để có thể đạt mục tiêu phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch vào năm 2025.
- Mặc dù có sự phục hồi tích cực nhưng du lịch Việt vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn tới cần được khắc phục ra sao, thưa bà?
Việt Nam là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng chúng ta chưa tận dụng được các lợi thế vốn có, đặc biệt là trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Cụ thể, theo thống kê năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD. Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Ngược lại với Thái Lan, Việt Nam gặp phải rào cản rất lớn từ chính sách thị thực.
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của Việt Nam quá ít hấp dẫn để níu chân du khách ở lâu ngày và chi tiêu. Vì vậy, ngoài rào cản về visa, du lịch Việt Nam nên xem xét và đầu tư thích đáng (hợp tác công tư) cho các sản phẩm du lịch đặc sắc mới mong theo kịp các quốc gia lân cận.
Với doanh nghiệp tôi cho rằng thách thức lớn nhất đặt ra đó là các chính sách chưa kịp thời. Ví dụ như gói hỗ trợ 2% lãi suất, số lượng doanh nghiệp được hưởng, giải ngân được bao nhiêu thì chưa có con số cụ thể. Các chính sách hỗ trợ cho vay cần được thiết kế phù hợp với từng thời điểm. Do đó, chúng tôi rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sắp xếp lại tiêu chí, điều kiện cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.
Chúng ta cần thiết kế chính sách đi trước và phải nhanh để các định chế, trong đó có tài chính và ngân hàng đi theo. Sau dịch, cơ thể ốm yếu cần oxy, tài chính là oxy nhưng thực tế các doanh nghiệp du lịch rất khó vay. Tương tự, ngành hàng không cũng đang thiếu vốn trầm nhưng chính sách thiết kế cho 2 ngành này gần như không có.
- Nhiều dự báo cho thấy, năm 2023 và những năm tiếp theo, các hoạt động du lịch trên thế giới và trong nước dần phục hồi và phát triển trở lại. Để tận dụng cơ hội thu hút khách quốc tế, Vietravel sẽ có những hướng đi tiên phong ra sao, thưa bà?
Đúng vậy. Với mỗi doanh nghiệp du lịch thì hiện nay đều đã và đang phải có bước chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới, nhất là trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Với Vietravel , chúng tôi đã và đang xúc tiến tích cực khai thác, kết nối với các thị trường khách mới tiềm năng như Trung Đông, Ấn Độ,…
Tết năm nay du khách có sự lựa chọn đa dạng hơn, với nhiều tuyến du lịch nước ngoài. Dự kiến, một số thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ, được du khách lựa chọn nhiều, đó là các điểm trong khu vực châu Á, như: Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Bali (Indonesia), Singapore…
Với thị trường khách nội địa, chúng tôi tăng cường kết nối với các địa phương để xây dựng các chương trình xúc tiến, xây dựng sản phẩm mới… để đưa vào khai thác.
- Nhìn lại quãng thời gian “vượt khó” trong hơn 2 năm qua, bà có thể chia sẻ điều gì trong hành trình đó, thưa bà?
Hai năm đóng băng do tác động quá lớn của dịch COVID-19 và giai đoạn hồi phục từ đầu quý 2/2022, không chỉ Vietravel mà nhiều doanh nghiệp lữ hành và hãng hàng không phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với vai trò tiên phong của ngành du lịch Việt Nam bên cạnh những khó khăn chung của ngành lữ hành, Vietravel còn thêm khó khăn của hàng không do hãng bay non trẻ mới ra đời. Tuy nhiên với việc chuẩn bị các chiến lược thích ứng, các kịch bản đối phó cộng với sự đồng lòng quyết tâm của ban lãnh đạo và toàn bộ cán bộ công nhân viên, chúng tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn.
Bên cạnh đó, cùng với sự tin tưởng, giúp đỡ của Chính phủ và cơ quan ban ngành luôn xem Vietravel là hình mẫu vượt khó, điều này cũng động viên chúng tôi rất nhiều trong thời gian qua.
Chúng tôi có niềm tin, cùng với sự đồng lòng, sự liên kết của toàn ngành Du lịch, chúng ta sẽ có thể tồn tại và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Có thể bạn quan tâm