Việt Nam và Trung Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện, bền vững và cân bằng hơn trong bối cảnh địa chính trị và chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều thay đổi.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025.
Theo các chuyên gia, trong quá khứ và những năm gần đây tất cả các chuyến thăm của người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đều có ý nghĩa quan trọng; đặc biệt là vào năm nay, hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và lãnh đạo hai bên đã xác định là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.
Do đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình càng có ý nghĩa, mở đầu cho hàng loạt giao lưu sắp tới, cũng như kỳ vọng đạt được những bước tiến quan trọng trong hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư khi đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 của ông Tập Cận Bình.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại hai chiều, tăng thêm 33,3 tỷ USD so với năm 2023. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng chủ lực như nông sản (gạo, cà phê, hạt điều, trái cây...), thủy sản, linh kiện điện tử, dệt may, cao su và dầu thô. Đặc biệt, nông sản Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Trung Quốc nhờ vào sự gần gũi về địa lý và nhu cầu tiêu dùng cao. Sản phẩm như sầu riêng, thanh long, xoài, chanh leo đã có chỗ đứng vững chắc và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng như máy móc, thiết bị công nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử. Sự đa dạng trong cơ cấu hàng hóa giữa hai nước giúp tận dụng được lợi thế so sánh của mỗi bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.
Có thể thấy, mặc dù Việt Nam thường xuyên nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng cơ cấu thương mại đang có những chuyển biến tích cực. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung vào nông sản thô mà còn bao gồm điện tử, linh kiện, máy móc và sản phẩm công nghệ. Điều này phản ánh sự cải thiện về năng lực sản xuất và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng có giá trị gia tăng cao hơn.
Dù kim ngạch thương mại song phương không ngừng gia tăng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, một trong những thách thức chính là sự mất cân đối trong cán cân thương mại. Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu và máy móc từ Trung Quốc để phục vụ xuất khẩu.
Do đó, để hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng quan hệ thương mại cân bằng hơn, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất trong nước và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang đến những đột phá trong các lĩnh vực có giá trị cao. Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi mà còn phải tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới cũng như tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, đồng thời ưu tiên vào các lĩnh vực như: đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…
Cùng với việc đẩy mạnh kết nối giữa VCCI và các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc, như Ủy ban Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam... hứa hẹn một "làn sóng" đầu tư mới từ các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp công nghệ... sẽ "thổi làn gió mới" cho quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.