Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14-15/4/2025.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14-15/4/2025.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025).
Từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, đặc biệt từ đầu thế kỷ XXI đến nay, quan hệ giữa 2 nước đã phát triển nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng - an ninh; cả ở cấp Trung ương và địa phương, nhất là các tỉnh biên giới giữa hai nước; trên các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần củng cố và phát huy truyền thống hữu nghị, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước.
Hai bên cùng nhau xác định phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999), tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005) và chính thức xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008), nâng tầm quan hệ lên Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược (năm 2023). Đồng thời, thông qua các chuyến thăm cấp cao, hai bên đã ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (năm 1999), Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trên vịnh Bắc Bộ (năm 2000). Trải qua nhiều vòng đàm phán phân định đường biên mốc giới, đến cuối năm 2008, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền.
Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ và tích cực trong những năm gần đây. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng đều kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên có những chuyến thăm lẫn nhau, thể hiện sự coi trọng cao độ đối với mối quan hệ song phương này. Hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương các cấp, từ trung ương đến địa phương, cả kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, trên nhiều lĩnh vực; ký kết nhiều văn kiện quan trọng, nhất là Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, Quy hoạch phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Trao đổi cấp cao, đặc biệt là cấp cao nhất được duy trì thường xuyên với các hình thức linh hoạt, góp phần tăng cường mạnh mẽ lòng tin chính trị, định hướng chiến lược cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất. Ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử hết sức thành công đến Trung Quốc, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, tạo cơ sở để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Sau đó một năm, từ ngày 12 đến ngày 13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Nhân chuyến thăm, hai bên đã đưa ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, ký kết 36 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực, tạo bước đột phá lớn cho quan hệ song phương. Đồng thời, trong chuyến thăm, hai bên cũng nhất trí về phương hướng “6 hơn”, gồm: 1- Tin cậy chính trị cao hơn; 2- Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; 3- Hợp tác thực chất, sâu sắc hơn; 4- Nền tảng xã hội vững chắc hơn; 5- Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và 6- Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc ngay sau khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta. Trong chuyến thăm, hai bên đã đưa ra “Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”, tạo nền tảng vững chắc và định hướng lâu dài cho quan hệ song phương bước vào giai đoạn phát triển mới.
Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp (từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991), quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc dần được khôi phục, ngày càng mở rộng, phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương.
Về thương mại, năm 2000, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước mới ở mức khiêm tốn, chỉ đạt 2,5 tỷ USD; đến năm 2008, sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 20,18 tỷ USD (tăng 535 lần so với năm 1991 khi hai nước bình thường hóa quan hệ). Năm 2004, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cho đến nay, Trung Quốc liên tục 20 năm liền (2004 - 2024) là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới.
Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc trên thế giới xét theo tiêu chí các quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga). Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 260,65 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 161,89 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 98,76 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư, trong năm 2024, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam với 4.922 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 29,55 tỷ USD. Bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng vốn và dự án, xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng dịch chuyển theo hướng xuất hiện nhiều hơn các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024, hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc với nhiều đối tác, đặc biệt là các đối tác lớn đều sụt giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn duy trì ổn định thương mại với Trung Quốc, với mức tăng trưởng hai con số. Nếu tính theo quốc gia, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc với thế giới và tiếp tục duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Một số kết quả cụ thể như sau:
Công tác mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản cũng ghi nhận kết quả tích cực. Theo đó, hai nước đã ký kết Nghị định thư cho phép trái dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu nuôi của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tiếp tục góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đến nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Ngày càng có nhiều nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và được người tiêu dùng của đất nước tỷ dân này ưa chuộng. Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam là một trong những loại trái cây được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Từ khi Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2022, xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc đã tăng đáng kể…