Tình hình dịch bệnh Tại Lai Châu cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát tại tỉnh vẫn luôn thường trực.
Hiện, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo vệ vùng xanh vừa đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh xác định luôn đồng hành và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Trong những năm qua, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nôngnghiệp, tỉnh Lai Châu tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh như: cây lúa chất lượng cao; các loại cây công nghiệp (chè, quế, cao su...); cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (Mắc ca, cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới,...); cây dược liệu…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, đến nay tỉnh đang định hướng một số cây trồng chính để tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, cây chuối đang phát triển mở rộng tương đối tập trung để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...
Hiện tỉnh Lai Châu đã có 60 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và 4 sao. Đó là các sản phẩm chế biến từ chè; sản phẩm từ rau, củ, quả, hạt tươi; sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản; sản phẩm gạo; sản phẩm mật ong... Tất cả những sản phẩm đó là đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương vừa đảm bảo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác nên được thị trường đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện nay do dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, cả hoạt động sản xuất và xuất khẩu đều đang gặp nhiều thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất tại Lai Châu hiện đang gặp khó trong xuất khẩu các sản phẩm, lượng hàng tồn kho khá nhiều. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nội địa còn rất hạn chế do chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã, vận chuyển khó khăn…
Vừa qua, các doanh nghiệp đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Lai Châu để tháo gỡ khó khăn như: cho thành lập Hiệp hội chè của tỉnh Lai Châu; tiếp tục rà soát, quy hoạch lại vùng nguyên liệu để thâm canh theo chứng nhận gắn với nhu cầu của thị trường; tháo gỡ cho doanh nghiệp lượng hàng tồn kho; tạm ứng vốn, cho vay vốn cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm trong thời gian ngắn hạn; kéo dài thời hạn cơ cấu, giãn hoãn nợ, hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay mới; kết nối các doanh nghiệp, tổ chức để xúc tiến thương mại…
8 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, tỉnh Lai Châu có 11 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 310,2 tỷ đồng; Quyết định chủ trương đầu tư 02 dự án tổng vốn đăng ký là 948,32 tỷ đồng (01 dự án thủy điện, 01 dự án thương mại dịch vụ). Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, lập danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn khoảng 92 danh mục dự án.
Chủ tịch tỉnh Lai Châu nhận định, trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp phải liên kết với nhau thành một tập thể mạnh để cùng nhau phát triển. Tới đây, tỉnh sẽ thành lập Hiệp hội chè, Hiệp hội xuất nhập khẩu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Chủ tịch tỉnh yêu cầu các doanh cần tiến hành thâm canh theo chứng nhận, hướng tới các thị trường khó tính và đẩy mạnh phát triển cả thị trường nội địa. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao khả năng quản lý doanh nghiệp.
Đến nay, tỉnh Lai Châu đang là vùng xanh, là tiền đề để hỗ trợ cho các tỉnh khác chống dịch, là biện pháp chống dịch từ sớm, từ xa, góp phần giảm nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu chỉ đạo trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, phải luôn đảm bảo yếu tố an sinh xã hội, chia sẻ yêu thương; các ngành phải cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất.
Đối với đầu tư xây dựng cơ bản, tỉnh chỉ đạo sát sao việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Được biết, tổng kế hoạch vốn năm 2021 là 1.958,44 tỷ đồng. Đã giao chi tiết đến các chủ đầu tư là 1.417,48 tỷ đồng. Giải ngân đến ngày 17/8/2021 là 773,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp như: Hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển; Tỉnh đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; Nghị quyết về phát triển rừng bền vững... Mới đây, tỉnh đã đề xuất chủ trương đối với chính sách hỗ chợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Có thể bạn quan tâm