Lãi suất hạ nhiệt sẽ giảm áp lực chung cho nền kinh tế, nhưng với ngành bất động sản, cần nhiều hỗ trợ hơn.
>>Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp
Dữ liệu ghi nhận trên thị trường, hiện lãi suất huy động tiếp tục giảm ở các kỳ hạn dài trên 6 tháng, đặc biệt là kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Chỉ còn rất ít tổ chức tín dụng duy trì mức lãi suất cao nhất 9,5% (mức cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam).
Thông tin thực tế tại một số tổ chức tín dụng lớn cũng cho thấy lãi suất phụ trội (premium) cho các khoản tiền huy động giá trị lớn cũng đang giảm dần và xu hướng lãi suất huy động giảm thực sự đang diễn ra.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận về lãi suất như sau:
Thứ nhất, lãi suất hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn nền lãi suất trước dịch.
Thứ hai, việc hạ nhiệt của lãi suất tập trung ở kỳ hạn dài. Có nghĩa điểm rơi của lãi suất vay được hạ nhiệt theo sẽ chậm lại.
Thứ ba, lãi suất hạ nhiệt nhưng khó tiếp tục hạ nhiệt quá sâu trong bối cảnh lãi suất toàn cầu đang tăng. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo có thể vẫn sẽ duy trì chính sách "diều hâu" với mức tăng lãi suất cao hơn kỳ vọng tăng cách đây 1 tháng, nhằm đối phó với sự "cứng đầu" của lạm phát.
Với lãi suất hạ nhiệt như trên, chúng tôi đánh giá sẽ giúp giảm áp lực chung toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, với nhóm bất động sản (BĐS), việc hạ nhiệt như trên là chưa đủ để giúp ngành vượt qua cơn khủng hoảng mà còn cần các hỗ trợ về cơ cấu nợ, trái phiếu và giải quyết các vấn đề pháp lý.
Do đó, các biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ sẽ đóng vai trò lớn và là động lực lớn cho ngành BĐS, ngân hàng và toàn thị trường.
>> Chính thức ban hành Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp
Đáng chú ý là ngay cuối tuần qua, ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành với một số nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó, như phân tích trước đây của FIDT đối với Dự thảo Nghị định này, các điểm chính quy định tại Nghị định thể hiện rõ định hướng mục tiêu của cơ quan quản lý là "góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về thanh khoản của nền kinh tế và doanh nghiệp mới phát sinh, để thị trường có thời gian điều chỉnh lại và doanh nghiệp có thể cân đối nguồn tiền để phục vụ sản xuất kinh doanh".
Tại Nghị định, được các doanh nghiệp mong đợi vẫn là quy định về việc thỏa thuận kéo dài thời hạn thanh toán (tối đa 2 năm) và cho phép hoán đổi trái phiếu lấy tài sản hay hoán đổi thành khoản vay. Quy định sẽ mở ra điều kiện cho tổ chức phát hành thương lượng với trái chủ. Điều này cũng sẽ tác động tốt nhất với trái chủ, đặc biệt là tổ chức hoặc đại diện chủ sở hữu khi thương lượng theo hướng có lợi cho đôi bên.
Theo ghi nhận từ phía thị trường, các đề xuất này sát với tình hình thị trường hiện tại và với động thái, chủ trương tái cấu trúc mà nhiều chủ đầu tư bất động sản, đồng thời cũng là những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn đang hướng đến và thực tế một số doanh nghiệp đang triển khai.
Nghị định này vì vậy cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp BĐS nói riêng và thị trường nói chung thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị "nóng" về hỗ trợ vốn, tín dụng, trái phiếu và thuế
11:10, 18/02/2023
Giải pháp cho thị trường bất động sản: Ổn định và phát triển thị trường trái phiếu
11:32, 17/02/2023
Ngành nào chịu áp lực về đáo hạn trái phiếu lớn nhất năm 2023
05:10, 16/02/2023
Dự thảo sửa Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ có gì mới?
04:55, 16/02/2023